Bạn đọc viết

Nể nang đến bao giờ?

- Thứ Tư, 21/09/2022, 06:35 - Chia sẻ

Báo cáo của Chính phủ về công tác Thi hành án dân sự (THADS) cho thấy, trong 10 tháng, tính từ tháng 9.2021, hệ thống cơ quan THADS đã thi hành xong về tiền đạt trên 58.824 tỷ đồng (đạt 31,18%), tăng trên 20.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 và tăng trên 17.269 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng là trên 10.327 tỷ đồng, tăng trên 8.319 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng lưu tâm, cũng trong thời gian này, số lượng các vụ án hành chính đã thụ lý là 11.433 vụ (tăng 941 vụ so với cùng kỳ năm 2021); đã giải quyết đạt 49% (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021). Tòa án Nhân dân các cấp đã ban hành 138 quyết định buộc thi hành án (tăng 42 quyết định so với cùng kỳ năm trước). Như vậy, tỷ lệ giải quyết vụ án hành chính mới đạt 49%, chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao (60% trở lên); tỷ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan là 3,08%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan là 2,77%, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội (không vượt quá 1,5%).

Các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền thi hành xong 287/873 bản án, quyết định hành chính; còn lại đang tiếp tục thi hành, chủ yếu là các bản án, quyết định phát sinh trong năm 2021 và năm 2022. Riêng với 32 bản án, quyết định người phải thi hành là UBND, Chủ tịch UBND được giám sát năm 2018, đến nay đã thi hành xong 26 việc, còn 6 việc.

Như vậy, vẫn còn những bản án hành chính chưa được thi hành xong, trong đó có những bản án tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính, nhưng chưa có trường hợp nào chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính. Và, các tòa án đã phải ban hành 138 quyết định buộc thi hành án - đã phản ánh phần nào ý thức chấp hành pháp luật của các UBND, chủ tịch UBND có liên quan. Bên cạnh con số đáng lưu tâm trên thì thực tế còn cho thấy, UBND, chủ tịch UBND, người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của tòa án là rất phổ biến và kéo dài nhiều năm.

Liên quan đến vấn đề này, đã có nhiều văn bản quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Chẳng hạn, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã quy định 6 hình thức kỷ luật công chức không thi hành bản án hành chính như: hình thức cảnh cáo cách chức áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi: sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án và gây hậu quả rất nghiêm trọng; bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án...

Quy định là vậy, song cho đến nay vẫn chưa có ai bị xử lý mặc dù bản án hành chính chưa được thi hành, hoặc Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành. Đáng lưu ý vấn đề này đã diễn ra nhiều năm, nhưng tất cả vẫn đang ở “tình trạng tiếp tục kiến nghị”; “đang chỉ đạo quyết liệt…”. Nhiều ý kiến rằng, cần phân loại nguyên nhân các bản án, quyết định hành chính không thi hành được, để từ đó tìm ra giải pháp. Đó là đề xuất đáng lưu tâm, song có thể thấy rằng đối với những vụ việc kéo dài nhiều năm, đối với những cá nhân đã được nêu tên vì chưa thi hành bản án, quyết định hành chính mà chưa có hướng xử lý thì phải chăng đã có tình trạng nể nang? Tình trạng này kéo dài đến bao giờ?

Đình Khoa