Bạn đọc viết:

Gỡ rào cản trong xây dựng chứng chỉ rừng bền vững

- Thứ Năm, 15/09/2022, 07:03 - Chia sẻ

Tính tới hết tháng 3.2022, Việt Nam có 226,429ha rừng đạt Chứng chỉ FSC (rừng bảo đảm được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan) và 54,529ha rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC (tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững).

Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ, phục vụ sản xuất đồ gỗ. Tuy nhiên, phản ảnh của nhiều doanh nghiệp và người trồng rừng cho thấy, bên cạnh những thuận lợi về nhu cầu của thị trường đối với nguồn gỗ có chứng chỉ đã được cải thiện, giá gỗ có chứng chỉ cao hơn giá gỗ không có chứng chỉ… thì còn rất nhiều rào cản cần tháo gỡ ở các khía cạnh đất đai; kỹ thuật; thị trường; thể chế, chính sách... Các rào cản này đang ảnh hưởng đến chính sách trồng rừng có chứng chỉ.

Chẳng hạn, người trồng rừng đặc biệt là hộ gia đình chưa thể tiếp cận với nguồn giống chất lượng được bảo đảm; hay tại một số địa phương chính quyền chưa thực sự vào cuộc, coivấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và hộ trồng rừng là giao dịch kinh tế đơn thuần giữa doanh nghiệp và hộ trồng rừng. Đặc biệt, thiếu sự tham gia của chính quyền ở các khía cạnh về xác định nguồn gốc đất đai, ranh giới, chủ sử dụng, và trong việc thúc đẩy kết nối doanh nghiệp với các hộ dân làm cản trở việc hình thành liên kết...

Từ thực tế này, để mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững, góp phần xóa thế phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập khẩu, cần tháo gỡ các rào cản nêu trên. Trong đó, ưu tiên việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp và các hộ trồng rừng, bảo đảm các diện tích được giao cho các đơn vị chủ rừng này rõ ràng về ranh giới trên bản đồ và thực địa. Bởi, đâylà điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp, hộ trồng rừng tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ tài chính đến kỹthuật hướng tới chứng chỉ rừng bền vững; đồng thời cần thực hiện lồng ghép với các chương trình khuyến lâm với chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình nông thôn mới nhằm tận dụng và tối đa hóa các nguồn lực cho việc bổ sung kiến thức kỹ thuật, pháp luật cho các hộ trồng rừng.

Đặc biệt cần đơn giản hóa, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các tiêu chí tiếp cận nguồn hỗ trợ việc trồng rừng gỗ lớn. Đây là một rào cản rất lớn, bởi theo phản ánh, các hộ trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng gỗ lớn vì phải đáp ứng tiêu chí nghiêm ngặt về đất đai (giấy chứng nhận, bản đồ ranh giới thực địa rõ ràng, tuổi cây…). Đáng quan tâm, nhiều hộ do hạn chế về kiến thức và quy trình pháp luật không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ này...

Một khía cạnh khác cũng được nhiều người nhắc tới là các cơ quan quản lý với sự đồng hành của các hiệp hội gỗ cần thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về sử dụng gỗ rừng trồng hợp pháp và bền vững. Các chương trình này, nên bao hàm việc khuyến khích thay đổi thị hiếu người tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường nội địa từ nguồn gỗ nhập khẩu là gỗ rủi ro sang sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Và, tiên phong trong việc thay đổi thị hiếu chính là thực hiện chính sách mua sắm công trong đó ưu tiên sử dụng các sản phẩm được làm từ gỗ rừng trồng hợp pháp và bền vững.

Khang Bình
#