Triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Gặp khó vì thiếu hướng dẫn, chưa liên thông

- Thứ Bảy, 06/08/2022, 06:33 - Chia sẻ

Là một địa phương có địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, gần 54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, công việc chủ yếu là làm nương, rẫy... việc tiếp cận và sử dụng các thiết bị điện tử, các dịch vụ được cung cấp trên nền tảng số còn nhiều hạn chế, Kon Tum không ít khó khăn khi thực hiện Đề án 06.

Thành lập 754/754 tổ công tác

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg (Đề án) ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 509/KH-UBND ngày 24.2.2022 về triển khai thực hiện Đề án 06; đồng thời, thành lập Tổ Công tác triển khai Đề án của UBND tỉnh, gồm 20 đồng chí, trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng và ban hành Quy chế hoạt động Tổ Công tác triển khai Đề án 06.

Đến nay 10/10 đơn vị cấp huyện của Kon Tum đã ban hành Kế hoạch và Quyết định thành lập Tổ Công tác triển khai Đề án cấp huyện; 102/102 đơn vị cấp xã đã ban hành Kế hoạch và Quyết định thành lập Tổ Công tác triển khai Đề án cấp xã; 754/754 thôn, làng, tổ dân phố đã thành lập Tổ Công tác triển khai Đề án cấp thôn, tổ.

Cùng với việc thành lập các tổ công tác, các sở, ngành liên quan cũng đã ban hành nhiều văn bản phối hợp, hướng dẫn thực hiện, như Quyết định số 81/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 256/KH-UBND triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, trên cơ sở rà soát các sở, ban ngành và địa phương bố trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ triển khai các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Tuy vậy, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ vẫn còn thấp (gần 8%); thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia chỉ mới thực hiện đối với nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai. Hiện nay địa phương đang chỉ đạo triển khai nhiều nội dung của công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, phần lớn khối lượng công việc liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, nhất là việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, nhân sự thực hiện các nhiệm vụ trên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chỉ có 1 người, khối lượng công việc nhiều, phát sinh thường xuyên, liên tục, dẫn đến tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu.

Không phải người dân nào cũng biết sử dụng máy tính
Không phải người dân nào cũng biết sử dụng máy tính
Nguồn: ITN

Vẫn là bài toán kết nối, liên thông

Việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Dịch vụ công đòi hỏi nhiều thao tác, đăng ký tài khoản đòi hỏi sim chính chủ... gây khó khăn cho người dân, đặc biệt những trường hợp lớn tuổi, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, đa số người dân vẫn thực hiện các thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp (sử dụng giấy tờ).

Mặc dù theo quy định, người dân khi thưc hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp đều có thể đăng ký giải quyết Dịch vụ công trực tuyến theo sự hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Nhưng việc thực hiện chỉ phù hợp với đối tượng nộp hồ sơ đối với các thủ tục cấp tỉnh, cấp huyện; riêng thủ tục cấp xã chưa thực hiện hiệu quả, do phần đông người dân trên địa bàn phường, xã chỉ đến thực hiện thủ tục lấy ngay sau khi tiếp nhận do đó không thực hiện đăng ký giải quyết Dịch vụ công trực tuyến.

Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum nêu thực tế, ngoại trừ Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp đã được kết nối liên thông với Hệ thống quản lý và trả kết quả giải quyết TTHC của BHXH Việt Nam đối với trường hợp cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và được triển khai thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Các hệ thống còn lại đều hoạt động độc lập, không có sự kết nối, chia sẻ để có thể khai thác, tận dụng dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của nhau vì vậy gây khó khăn cho cán bộ thực hiện thủ tục hành chính. Việc cấp số định danh cho trẻ khi đăng ký khai sinh đôi khi còn chậm, lỗi... dẫn đến việc không hoàn thành được dữ liệu đăng ký trên Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp để chuyển dữ liệu điện tử sang Phần mềm BHYT.

Trong khi đó, một số dịch vụ công trong 25 dịch vụ công thiết yếu chưa được các bộ, ngành chủ trì liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện; các cơ quan thực hiện dịch vụ công trên địa bàn tỉnh chưa phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh về cách thức, phương án triển khai, tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Đặc biệt, các bộ, ngành Trung ương chưa liên kết với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để phổ biến, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp biết thực hiện thông qua kênh tuyên truyền trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh dẫn đến nhiều đầu mối truy cập sử dụng dịch vụ đối với công dân và gây khó khăn trong việc theo dõi của các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tế này, để bảo đảm triển khai Đề án 06, bên cạnh nỗ lực của địa phương trong tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số, nhất là tạo lập danh tính điện tử, cài đặt, sử dụng, thực hiện các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thì các bộ ngành liên quan cần đẩy mạnh liên kết, liên thông, chia sẻ kết nối dữ liệu chuyên ngành.

Phạm Hải - Minh Đức