Điểm danh nêu tên

- Thứ Tư, 27/07/2022, 09:55 - Chia sẻ

Tính đến ngày 14.6.2022, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được tích hợp, triển khai trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tại đây đã có hơn 469.000 giao dịch thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai với tổng số tiền hơn 1,8 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng Dịch vụ công quốc gia như: Bình Phước; Khánh Hòa; Long An; Hải Dương; Đắk Nông; Vĩnh Phúc; An Giang; Bắc Ninh; Bắc Giang; Thái Nguyên; Bình Định… thì vẫn còn 19 địa phương khác đang trong tình trạng đã kết nối, nhưng chưa triển khai; hoặc số lượng giao dịch còn hạn chế. Trong đó, Quảng Trị đã kết nối, tích hợp nhưng đến nay chưa triển khai; 18 địa phương có số lượng giao dịch còn rất hạn chế như: TP. Hồ Chí Minh; Hà Nội; Bắc Kạn; Tuyên Quang; Bến Tre; Lạng Sơn; Cà Mau; Hà Giang; Hải Phòng; Bạc Liêu; Sơn La; Lai Châu; Cao Bằng; Kiên Giang; Hà Tĩnh; Điện Biên; Hưng Yên; Ninh Thuận. Đáng quan tâm là trong các địa phương này có những địa phương là Thủ đô (Hà Nội); trung tâm kinh tế (TP. Hồ Chí Minh) - nơi có hoạt động bất động sản sôi nổi.

Liên quan đến thủ tục này, từ tháng 11.2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã thí điểm cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại 4 tỉnh là: Bình Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tây Ninh. Dịch vụ này cho phép người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế, lệ phí trước bạ) trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, giúp cắt giảm tối thiểu thời gian, chi phí 3 lần đi lại, liên hệ để thực hiện thủ tục hành chính với các cơ quan. Nghĩa là thay vì đến 3 cơ quan để thực hiện nghĩa vụ tài chính (cơ quan đất đai hoặc một cửa để nhận thông báo nghĩa vụ tài chính; kho bạc hoặc ngân hàng để nộp tiền; cơ quan đất đai hoặc một cửa để nộp bổ sung chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính làm cơ sở để xem xét, thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận), thì cá nhân, tổ chức chỉ cần thao tác trên nền tảng số.

Điểm danh nêu tên
Nguồn: ITN

Đây được đánh giá là một bước đột phá trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên cơ sở kết nối liên thông giữa các cơ quan thuế, đất đai, một cửa, kho bạc, ngân hàng, trung gian thanh toán giúp giảm số lần đi lại, thời gian xử lý hồ sơ TTHC, công khai minh bạch các bước xử lý, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng việc triển khai đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy vậy còn đó những địa phương chưa thật sự vào cuộc. Điều này thể hiện rõ qua số lượng các địa phương (19/63) và số lượng các giao dịch phát sinh thực tế. Chính vì thế, bên cạnh việc điểm danh các địa phương nêu trên - một giải pháp cụ thể, thiết thực - làm căn cứ đánh giá các chỉ số cải cách - thì các địa phương cần tiếp tục tổ chức phối hợp, liên thông điện tử tốt giữa các cơ quan thuế, tài nguyên và môi trường, một cửa, kho bạc, Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngân hàng, trung gian thanh toán để triển khai có kết quả dịch vụ này. Bởi, điểm nghẽn lớn nhất trong vấn đề này vẫn là câu chuyện chưa chia sẻ, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và chưa tuyên truyền đến người dân về sự lợi ích của thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. 

Đình Khoa