Đề xuất tiến bộ về kỹ thuật lập pháp
Một bộ phận dư luận châm biếm trước hai vấn đề vừa được đề xuất: Bộ quy tắc các hành vi quấy rối tình dục nơi công sở/ công cộng; Nhóm các hành vi bạo hành gia đình được liệt kê. Tuy nhiên, xét về mặt học thuật và kỹ thuật lập pháp, đây là một bước tiến bộ đáng kể cần được ghi nhận.
Luật pháp càng đi vào chi tiết và có tính định lượng để “khóa chặt” các hành vi cụ thể càng là tiêu chuẩn mà một quy phạm cần phải đạt được. Càng dễ để xác định phạm vi của hành vi tác động vào thì càng thuận lợi trong thi hành. Và theo đó, các bên - từ cơ quan quản lý tới người dân - sẽ tự xác định được giới hạn, định hướng trong hành xử. Luật pháp càng chung chung càng dễ gây ra các xung đột và dễ gây ra sự tuỳ tiện trong vận dụng, làm rối rắm thực tế và làm tăng thêm mâu thuẫn của xã hội.
Chúng ta cần nhớ một nguyên tắc rất quan trọng về pháp lý - không có luật pháp thì không có bất hợp pháp/ sự phạm pháp. Do đó, luật càng tiến tới sự chi tiết thì càng đạt được sự rõ ràng và làm cơ sở chắc chắn cho sự tham chiếu cũng như việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân.
Đối với các hành vi quấy rối tình dục nơi công sở/ công cộng. Nhóm hành vi loại này bao gồm các biểu hiện bằng ánh mắt, hành vi, lời nói, văn bản hoặc bất kỳ dạng thức nào hướng tới một chủ thể nhất định mà, điều cần được nhấn mạnh, chúng không được sự đồng ý/ chấp thuận của người còn lại. Sự theo dõi/quan sát bằng những ánh mắt tập trung vào các bộ phận nhạy cảm, dùng các hành động trực tiếp tiếp xúc vào thân thể hoặc có ý mời gọi, quấy nhiễu, gây các ám ảnh tình dục… đều là các hành vi quấy rối.
Đối với nhóm hành vi bạo hành gia đình. Mọi con người, dù trong đời sống riêng tư, vẫn luôn được đặt vào trong sự bảo vệ tối cao nhất đối với các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản (sở hữu) và mưu cầu hạnh phúc. Hành vi bạo hành có thể: trực tiếp bằng vật chất (đánh đập, chửi bới, sỉ nhục, lăng mạ…), bỏ mặc (không quan tâm, bỏ đói, ghẻ lạnh…), tước đoạt về kinh tế, ngăn cản thực hiện các quyền và nghĩa vụ, xua đuổi hay hắt hủi, buộc quan hệ tình dục trái ý muốn, hoặc thực hiện khủng bố tinh thần dưới dạng dựa vào bên thứ ba hoặc tìm các biện pháp/phương thức thúc đẩy nạn nhân rơi vào trầm cảm, lo sợ dẫn đến hoảng loạn tinh thần, tự tử…
Việc có quy định chi tiết để giải quyết là một bước tiến bộ, vấn đề còn lại chỉ là các bên chứng minh ra sao dựa trên các bằng chứng xác thực nào trong mỗi trường hợp cụ thể. Việc này cũng là một đòi hỏi quan trọng về mặt lập pháp/ lập quy và kỹ thuật lập pháp. Nó đặt cơ sở thực tế cho tất cả các bên dẫn chiếu để định hướng, lựa chọn hành xử và cuối cùng là để bảo vệ mình trước các thiết chế khi cần tới.
Các quy định nêu trên đang hướng đến việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em tốt hơn trong tình cảnh xã hội ta đang rơi vào sự khủng hoảng các giá trị cơ bản của gia đình. Vậy hà cớ gì chính những người đang được bảo vệ này lại bỡn cợt và châm biếm, xem thường đề xuất này? Giả như, những người là đàn ông tỏ thái độ coi thường các đề xuất này thì còn có thể hiểu được vì họ đang chính là những đối tượng bị tác động nhiều nhất. Rõ ràng, các quy định của pháp luật chỉ thực sự hữu dụng và đi vào cuộc sống khi các đối tượng chịu sự tác động ý thức được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.