Có thực sự cần thiết?

ĐÌNH KHOA 12/05/2022 08:18

Thiết lập các cơ chế hỗ trợ người dân nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật là một trong những đề xuất nhận được sự quan tâm của nhiều người xung quanh Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân giai đoạn 2022 - 2030. Câu hỏi đặt ra là liệu đề án có thực sự cần thiết trong bối cảnh rất nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này đã được ban hành?

Khảo sát gần đây của Bộ Tư pháp đã cho thấy, mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tiếp cận pháp luật cho người dân từ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin... song người dân, đặc biệt là nhóm đặc thù,yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật. Một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có nhận thức chưa đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin,vẫn còn tâm lý e ngại khi cần yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Trong khi đó, nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm cho hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức được quan tâm đúng mức, nhất là tại các tỉnh nghèo, chưa chủ động được nguồn thu.

Từ thực tế này, Dự thảo Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân giai đoạn 2022 - 2030 đã xác định mục tiêu xây dựng, hoàn thiện và triển khai một cách đồng bộ, thông suốt, hiệu quả chính sách, thể chế, giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân trong quá trình chủ động, tự giác tiếp cận, tìm hiểu, vận dụng, sử dụng thông tin pháp luật để thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Để đạt được mục tiêu này, Dự thảo Đề án đã xác định các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm chủ động tiếp cận pháp luật của người dân và nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, cơ quan, chủ thể có thẩmquyền; hoàn thiện thể chế, cơ chế, điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân, trong đó có tổng kết thực tiễn và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Luật, các quy định liên quan đến tiếp cận pháp luật của người dân tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Hòa giải ở cơ sở…

Đặc biệt, đề án sẽ thiết lập các cơ chế hỗ trợ người dân nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật. Trong đó tập trung tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác, sử dụng pháp luật cho người dân; khảo sát thực trạng, nhu cầu về tiếp cận pháp luật của người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động cung cấp thông tin pháp luật; hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, nguồn lực phục vụ các hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở…

Có thể thấy, Dự thảo Đề án đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số... Tuy nhiên, có một thực tế là việc tiếp cận pháp luật của người dân đã được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nguồn lực thực hiện các quy định này cũng được thể hiện rõ trong các văn bản, vậy việc ban hành một đề án liên quan đến vấn đề này có thực sự cần thiết? Hay, chăng là dùng ngân sách thực hiện triển khai đề án vào việc tổ chức triển khai các văn bản hiện có liên quan đến vấn đề này.

Thực tế, quy định về tiếp cận pháp luật cho người dân, tổ chức đã tương đối đầy đủ, điểm nghẽn ở đây là cơ chế tổ chức triển khai, đưa những quy định đó vào cuộc sống. Đơn cử, sau 3 năm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin cho thấy, một trong những khó khăn lớn nhất của tổ chức triển khai Luật này chính là cán bộ còn kiêm nhiệm, không đủ thời gian để tham mưu cho lãnh đạo trong việc tổ chức, cung cấp thông tin cho người dân. Đặc biệt, thiếu cơ chế hậu kiểm việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân của các cơ quan chức năng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có thực sự cần thiết?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO