Cần thêm nữa những "Ngôi nhà Ánh Dương"
Nếu tính từ thời điểm Trung tâm Dịch vụ Một cửa (OSSC), được biết đến với tên gọi “Ngôi nhà Ánh Dương” đầu tiên được thành lập tại Quảng Ninh vào năm 2020, đến nay với sự hỗ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam đã có 4 OSSC ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa.
OSSC cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tổng hợp cho phụ nữ và trẻ em gái đang gặp phải và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Trung tâm cung cấp các dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ từ công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp và chuyển tuyến. Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại OSSC đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời bảo đảm về quyền riêng tư và bí mật.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, OSSC tại Quảng Ninh, Thanh Hóa đã hỗ trợ hơn 450 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Đường dây nóng của Trung tâm, hoạt động 24/7 miễn phí, mỗi trung tâm nhận được hơn 1.000 cuộc gọi/tháng, con số này đã vượt quá khả năng ban đầu.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vốn đã tồn tại từ trước, nhưng đã trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh Covid-19. Các báo cáo gần đây cho thấy những quy định về việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và các biện pháp kiểm soát dịch, cùng với áp lực về kinh tế, xã hội và những căng thẳng trong gia đình, đã dẫn đến gia tăng bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời. Một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực về thể chất và/hoặc bạo lực tình dục do người chồng/bạn tình gây ra không kể cho bất cứ ai về tình trạng của họ và hầu hết những người trong số họ (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Do vậy, bạo lực đối với phụ nữ vẫn là vấn đề bị giấu kín trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Để bạo lực giới không còn là vấn đề bị “giấu kín” việc thành lập các “Ngôi nhà Ánh Dương” không chỉ có ý nghĩa trong việc hỗ trợ kịp thời nạn nhân bạo lực giới mà còn là động lực để nạn nhân lên tiếng trước hành vi bạo lực. Điều này có ý nghĩa hơn khi hiện nay quy trình để được bảo vệ khỏi bạo lực giới được đánh giá là phức tạp, không có lợi cho nạn nhân với những yêu cầu có tính chất cứng nhắc như làm đơn gửi các cơ quan chức năng; khi bị bạo lực thì người phải ra khỏi nhà là nạn nhân…