Bạn đọc viết:

Cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng

- Chủ Nhật, 31/07/2022, 06:38 - Chia sẻ

Từ năm 2017 đến 2021, hàng năm Chính phủ đều ban hành nghị quyết về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, lĩnh vực thi hành án dân sự được xác định là một thành tố quan trọng cần phải được cải thiện trong chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng (chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng - A9 là 01 trong 10 chỉ số đo lường mức độ cạnh tranh của các nền kinh tế toàn cầu trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới).

Tuy vậy, thực tế cho thấy, các chỉ số này đều có sự cải thiện không đáng kể. Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, trong 5 năm từ 2017 - 2021, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong gần 2,8 triệu việc, thu được số tiền, tài sản trên 221.000 tỷ đồng, trong đó, các cơ quan THADS đã nỗ lực thi hành xong 70.300 việc về kinh doanh thương mại, thu được tổng số tiền trên 56.166 tỷ đồng (chỉ chiếm 2,53% tổng số việc nhưng chiếm gần 26% tổng số tiền đã thi hành xong của toàn hệ thống trong 05 năm). Tỷ lệ này vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn hệ thống, nhất là tỷ lệ thi hành xong về việc chỉ đạt 51,21% trong khi tỷ lệ trung bình của toàn hệ thống đạt 79,07%, thấp hơn 27,86%. Tỷ lệ thi hành xong về việc và về tiền qua từng năm không ổn định và chưa có xu hướng tăng đều qua từng năm.

Tính đến hết 6 tháng năm 2021, toàn quốc còn 477 việc có giá trị trên 20 tỷ đồng với tổng số tiền phải thi hành lên tới gần 37.000 tỷ đồng; gần 6.000 việc kinh doanh thương mại trên 3 năm chưa thi hành xong với tổng số tiền phải thi hành trên 10.400 tỷ đồng; 106 việc có giá trị trên 20 tỷ đồng và trên 3 năm vẫn chưa thi hành xong với tổng số tiền phải thi hành là gần 6.000 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tính an toàn của môi trường đầu tư.

Rút ngắn thời gian thi hành án dân sự, cải thiện môi trường đầu tư
Rút ngắn thời gian thi hành án dân sự, cải thiện môi trường đầu tư
Nguồn: ITN

Theo Báo cáo đánh giá thường niên của Ngân hàng Thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng như thời gian trung bình thi hành án một bản án ở Việt Nam hiện vẫn còn khá dài, thời gian trung bình để thi hành một bản án là 150 ngày trên tổng thời gian giải quyết một vụ việc là 400 ngày, chỉ xếp hạng 6/10 về thời gian thi hành án trong khối ASEAN. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh); trong khu vực ASEAN, vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh).   

Chính vì lẽ đó, một trong những mục tiêu mà Dự thảo Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại đặt ra là hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật theo hướng chú trọng chất lượng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án;  Công khai, minh bạch quy trình tổ chức thi hành án; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên được xác định trong bản án, quyết định về kinh doanh thương mại.

Tuy vậy, xuất phát từ thực tế tổ chức thi hành án kinh doanh thương mại cho thấy, để thực hiện Đề án này, cần sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương như Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi những quy định còn bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trong các vụ việc tín dụng ngân hàng; Bộ Công an tích hợp, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm tạo điều kiện cho việc khai thác, xác minh điều kiện thi hành án trong tổ chức thi hành án kinh doanh thương được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác; nhất là Bộ Tài chính sớm hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án là phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu...

Đình Khoa