Bạn đọc viết:

Cá nhân hóa trách nhiệm

- Chủ Nhật, 14/08/2022, 06:19 - Chia sẻ

Một trong những điểm mới tại Quyết định 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Quyết định) là: kết quả đánh giá sẽ là một trong những tiêu chuẩn để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Kết quả này cũng xác định trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; ưu tiên xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử

Điều này cho thấy, Quyết định đã cá nhân hóa trách nhiệm của cán bộ công chức, và người đứng đầu trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công ngày càng được coi trọng và được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình cải cách thủ tục hành chính bằng việc gắn với thi đua, khen thưởng, kỷ luật...

Theo đó, từ ngày 1.8.2022, 5 nhóm chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân trong thực hiện TTHC, dịch vụ công gồm: công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp dịch vụ trực tuyến; mức độ hài lòng được đưa vào vận hành tại Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các tiêu chí đánh giá của từng nhóm chỉ số thành phần được quy định chi tiết.

Chẳng hạn, nhóm chỉ số công khai, minh bạch có các tiêu chí: tỷ lệ TTHC công bố đúng hạn; tỷ lệ thủ tục hành chính được cập nhật, công khai đúng hạn; tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên cổng Dịch vụ công quốc gia…; hay nhóm chỉ số về mức độ hài lòng có các chỉ tiêu: tỷ lệ phản ánh, kiến nghị theo phân loại; tiến độ xử lý phản ánh, kiến nghị; tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị; tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Khác với nhiều hệ thống đánh giá hiện đang được triển khai, kết quả đánh giá của Hệ thống này sẽ được công khai trên cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh (Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh); Cổng Thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Đối tượng được đánh giá là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc các cơ quan trên; các cơ quan, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh. Việc đánh giá thực hiện dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Đặc biệt, Quyết định này cũng nêu rõ, không đầu tư mới Hệ thống giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công của bộ, cơ quan, địa phương.

Có thể thấy, Quyết định 766/QĐ-TTg đã tiến một bước trong quá trình đánh giá chất lượng hiệu quả của công tác cải cách TTHC. Tuy nhiên, để Quyết định này phát huy được hiệu quả thì rất cần sự tương tác của người dân và doanh nghiệp trong khi thực hiện TTHC, nhất là ở khía cạnh đánh giá mức độ hài lòng ở các khâu từ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ, trả kết quả và phối hợp giải quyết khi bổ sung giấy tờ, hướng dẫn thủ tục. 

Nguyễn Minh