Bỏ cấp trung gian, tinh giảm bộ máy

- Thứ Ba, 13/09/2022, 12:08 - Chia sẻ

Thực hiện các chủ chương, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng những năm qua nhiều bộ, ngành ở trung ương đã có những bước đi quyết liệt trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đã được kết quả rất đáng ghi nhận.

Điển hình là Bộ Công an đã xóa bỏ cấp tổng cục tại 6 đơn vị, mới đây khi tổ chức lại Bộ Giáo thông Vận tải đã bỏ Tổng cục Đường bộ - tổng cục duy nhất của Bộ này. Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thống nhất về việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, theo đó bỏ 4 tổng cục để hạ cấp xuống thành các cục, vụ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ theo hướng chuyển Tổng cục Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch sẽ chuyển xuống thành cấp cục.

Bỏ cấp trung gian, tinh giảm bộ máy -0
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải thông tin về việc bỏ Tổng cục Đường bộ

Có thể nói, mô hình tổ chức cấp tổng cục trong các bộ, ngành hiện nay đã lỗi thời, không còn phù hợp, không cần thiết. Mô hình này thực chất là "bộ trong bộ", bởi bên trong các tổng cục có nhiều vụ, cục trực thuộc với cơ cấu tổ chức và hoạt động cũng như biên chế tương tự như các vụ, cục thuộc bộ, thậm chí có tổng cục còn lớn hơn một số bộ, ngành có quy mô vừa phải.

Do đó, nếu tiếp tục duy trì cấp tổ chức tổng cục như ở một số bộ, ngành hiện nay thì việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm mạnh biên chế sẽ rất khó thực hiện. Như đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sau khi sắp xếp hợp nhất, sáp nhập, tổ chức theo cơ cấu mới và nếu kết hợp giảm 4 tổng cục thì Bộ này lập tức giảm đến 34 cấp vụ và tương đương và giảm 100% số phòng trong vụ.

Bên cạnh đó, cấp tổng cục là cấp trung gian giữa bộ, ngành với địa phương, đơn vị, vì thế phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành của bộ, ngành, vì thường phải thông qua tổng cục, chờ ý kiến tổng cục... Đồng thời, hiện nay cấp tổng cục không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành chính sách nên một số văn bản hướng dẫn của cấp này ban hành để hướng dẫn cho các tỉnh, thành là chưa phù hợp, không thuộc đối tượng bắt buộc thi hành do không có thẩm quyền hoặc phân cấp quản lý.

Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần quyết liệt trong việc xóa bỏ cấp tổng cục ở tất cả các bộ, ngành ở trung ương, không nên có ngoại lệ, vì có thể tạo tiền lệ xấu, trừ mô hình tổ chức lực lượng Quân đội nhân dân do đặc thù, riêng biệt. Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nhất là giảm mạnh khâu trung gian nhằm góp phần làm cho hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương thông suốt, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả.

Phạm Chung