SỔ TAY

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng

- Thứ Hai, 09/05/2022, 07:22 - Chia sẻ

Năm 2016, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã khởi động chương trình Đối tác toàn cầu về Chấm dứt bạo lực trẻ em và Quỹ liên kết với mục tiêu hỗ trợ hành động nhằm chấm dứt mọi hình thức bạo lực trẻ em vào năm 2030.

Kể từ khi khởi động, danh mục An toàn trực tuyến đã phát triển và đầu tư lên đến 68 triệu USD cho 80 dự án nhằm chấm dứt, ngăn chặn vấn đề bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến tại hơn 75 quốc gia. Trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua, sáng kiến An toàn trực tuyến của Quỹ Chấm dứt bạo lực (End Violence) đã công bố khoản đầu tư mới trị giá 15 triệu USD hỗ trợ nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến. Khoản đầu tư này sẽ giúp 18 tổ chức xây dựng các hệ thống hỗ trợ cấp quốc gia, tận dụng các giải pháp công nghệ để biến internet thành một không gian an toàn cho trẻ em. Ở cấp khu vực, các dự án được lựa chọn sẽ triển khai trên khắp các quốc gia ở Đông và Nam Phi, Đông Nam Á.

Có thể thấy, vấn đề an ninh mạng nói chung và an toàn trên internet đối với trẻ em nói riêng tiếp tục được sự quan tâm các quốc gia, tổ chức phi chính phủ. Trẻ em toàn cầu đang khám phá thế giới mới qua mạng nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục trực tuyến ngày càng gia tăng. Chỉ trong một năm qua, theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã có hơn 29 triệu báo cáo bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến. Đáng lưu tâm hơn, bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên mạng là hình thức bạo lực trẻ em đang gia tăng nhanh nhất.

Tại Việt Nam, thời gian qua, UNICEF và các đối tác đã nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho bộ, ngành liên quan; đồng thời hỗ trợ cha mẹ và người giám hộ, trẻ em trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết khi tham gia internet. Việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, điển hình như: Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng…, mới đây nhất, tháng 6.2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình không chỉ nhằm bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; mà còn hướng tới việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng… Như vậy, cùng với nỗ lực của Chính phủ là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trẻ em Việt Nam thích ứng với môi trường mạng, và internet trở thành nơi các em học hỏi, giao lưu và thể hiện bản thân.

PHẠM HẢI