Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Bạo lực gia đình - Câu chuyện không của riêng ai

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 06:25 - Chia sẻ

Các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình là một trong những vấn đề được sửa đổi, bổ sung nhiều nhất tại Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đây là những đề xuất được kỳ vọng tạo sự chuyển biến trong việc đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào cuộc sống.

 Phòng hơn chống

Các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Chương II, từ Điều 14 đến Điều 26, Dự thảo. Tại chương này đã có các quy định về mục đích, yêu cầu trong thông tin, truyền thông, giáo dục; nội dung thông tin, truyền thống, giáo dục; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng…; hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; cá nhân, cơ quan, tổ chức tiến hành hòa giải, các loại hình hòa giải; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình; giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình.

Như vậy, so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Dự thảo sửa đổi, bổ sung 9 điều; bổ sung mới 3 điều. Đánh giá về sự sửa đổi, bổ sung này, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung này là có tính khả thi và bù đắp được hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình trên cả diện rộng và có trọng điểm với đối tượng cụ thể; nội dụng, hình thức cũng được bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển của truyền thông hiện nay. Mặt khác, việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục cũng cần bảo đảm tính đồng bộ về vừa phê phán, vừa cung cấp kiến thức, kỹ năng, vừa kịp thời phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt trong phòng, chống bạo lực gia đình, đạt được mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc.

Dự thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định “Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình” (Điều 17); “Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng” (Điều 18); Tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở trợ giúp pháp lý, cơ sở khác hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình” (Điều 19).

Như vậy, đã có sự tách “tư vấn về gia đình ở cơ sở” thành 3 điều như Dự thảo nhằm hướng đến mục tiêu tư vấn diện rộng và tư vấn chuyên nghiệp. Tư vấn không chỉ là cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình mà còn tham gia vào điều trị - hỗ trợ trị các sang chấn tạm thời do bạo lực gia đình gây ra, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị phân tích.

Bạo lực gia  đình câu chuyện không của  riêng ai
Bạo lực gia đình câu chuyện không của riêng ai
Nguồn: ITN

Tăng các giải pháp bảo vệ, hỗ trợ

Thực tiễn 15 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho thấy, việc bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm pháp luật trong phòng chống bạo lực gia đình là một trong những điểm nghẽn lớn nhất. Khắc phục vấn đề này, từ Điều 27 đến Điều 47, Dự thảo đã quy định rõ các vấn đề liên quan đến báo tin, tố giác về bạo lực gia đình; xử lý, xác minh tin báo, tố giác về vụ việc bạo lực gia đình; sử dụng thiết bị hỗ trợ để xác định vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình…; giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc; chăm sóc người bị bạo lực gia đình; hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình; tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình; bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình…

So với Luật hiện hành, chương này sửa đổi, bổ sung 15 điều; bổ sung mới 6 điều. Sự sửa đổi, bổ sung này đều hướng tới mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ tối đa cho nạn nhân bạo lực gia đình. Chẳng hạn, sửa đổi, bổ sung quy định về “Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình” (Điều 41); “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” (Điều 42); “Cơ sở khám bệnh, cơ sở chữa bệnh” (Điều 43); “Cơ sở trợ giúp xã hội và trung tâm trợ giúp pháp lý (Điều 44) đã hướng tới mục đích xã hội hóa, huy động tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển các dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đánh giá, việc bổ sung quy định về “Sử dụng thiết bị hỗ trợ để xác định vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” (Điều 29) sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhiều vụ việc bạo lực gia đình khi xử lý cơ quan có thẩm quyền thiếu căn cứ để xác định hành vi vi phạm. Mặt khác, quy định này còn ngăn ngừa tình trạng sử dụng thông tin về vụ việc bạo lực gia đình đăng tải trên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến người bị bạo lực gia đình cũng như thành viên gia đình.

Một quy định mới khác cũng nhận được sự đồng tình của nhiều địa phương trong quá trình lấy ý kiến Dự thảo, đó là “Bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình” (Điều 39). Theo đó, việc có biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người báo tin, tố giác bạo lực gia đình chính là khuyến khích xã hội hóa nguồn nhân lực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

Phạm Hải