Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông

Tai nạn chực chờ

- Thứ Tư, 20/04/2022, 07:09 - Chia sẻ
Để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn do hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe gây ra, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tăng mức phạt, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; cần có các giải pháp cụ thể hơn, trực quan sinh động hơn về nguy cơ tai nạn để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Hành vi bị cấm, nhưng...

Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng đã tăng mức phạt với người lái xe ô tô vi phạm lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe lên mức từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tăng 1.000.000 đồng so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Dù đã bị cấm nhưng hàng ngày trên các tuyến đường tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhiều người vẫn có thói quen vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động với lý do điện thoại là vật bất ly thân, có việc quan trọng không thể gián đoạn kết nối quá lâu... Thậm chí, tài xế xe ôm công nghệ còn trang bị luôn giá điện thoại đặt trước đầu xe máy để vừa chạy xe vừa “dán mắt” đọc tin nhắn, hoặc tìm đường, tính cước phí nên không thể quan sát được các phương tiện đang lưu thông xung quanh. Trong số đó, đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại... gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn. Song, việc xử lý vi phạm này thời gian qua vẫn còn gặp khó khăn nhất định, do hành vi diễn ra rất nhanh, người vi phạm thường chối cãi, tài xế dán kính mờ, kính màu, gây khó phát hiện…

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, TP. Hồ Chí Minh Vũ Anh Tuấn, tham khảo các nước trong khu vực và trên thế giới, hành vi sử dụng điện thoại nguy hiểm hơn nhiều so với tài xế vẫn tưởng và nguy hiểm tương đương việc lái xe khi đã uống rượu bia. Bởi, khi lái xe, người lái phải thực hiện rất nhiều thao tác như quan sát, chấp hành báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu vạch kẻ đường, chấp hành tốc độ… nhưng khi dùng điện thoại sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện mất tập trung; khả năng xử lý khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng và dễ gây ra tai nạn.

Các số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy, trong các trường hợp gây tai nạn giao thông, nguyên nhân do người lái xe thiếu tập trung quan sát thường chiếm tỷ lệ cao, trong đó có hành vi vừa lái xe, vừa nghe điện thoại di động. Từ người đi xe đạp cho đến xe máy, tài xế lái ô tô con đến xe tải, xe khách, container… đều có thể vừa điều khiển xe, vừa nghe điện thoại di động, thậm chí có người vừa cầm lái, vừa nhìn vào màn hình điện thoại mà không chú ý quan sát trên đường. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lái xe sử dụng điện thoại là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến tai nạn. Nghiên cứu cho thấy, tốc độ phản ứng của người lái xe khi sử dụng điện thoại giảm tới 50%. Người lái xe dùng tay sử dụng điện thoại phản ứng chậm hơn 30% so với người sử dụng rượu, bia ở mức 80mg/100ml khí thở.

Ngăn ngừa nguy cơ tai nạn

Trên thực tế, những vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại trong khi lái xe đã từng xảy ra và gây hậu quả rất nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản. Song, cho đến nay các thống kê về tai nạn giao thông và vi phạm giao thông đều đang dừng lại ở mức độ tổng hợp như số vụ, số tiền bị phạt, số phương tiện và giấy tờ bị tạm giữ, số người chết, người bị thương, thiệt hại về tài sản, vật chất… mà chưa có sự phân tích về nguyên nhân tai nạn, tỷ lệ vi phạm, cũng như so sánh giữa các nguyên nhân, các nhóm hành vi để đánh giá mức độ nguy hiểm và phổ biến. Trong khi, đây là những dữ liệu cần thiết cho các chính sách quản lý an toàn giao thông. Điều này vô hình trung dẫn đến tâm lý xem nhẹ của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Trong xu thế ngày càng phát triển của khoa học kỹ thuật, con người ngày càng sử dụng nhiều các thiết bị hiện đại, theo ông Vũ Anh Tuấn, để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn do hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe gây ra, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường ứng dụng công nghệ thiết bị cho phép trích xuất hình ảnh sử dụng điện thoại cho công tác xử phạt nguội. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại nguy hiểm của hành vi sử dụng điện thoại trong lúc lái xe bằng việc thực hiện các chiến dịch truyền thông và chương trình giáo dục an toàn giao thông. Các kết quả phân tích về sự gia tăng khả năng xảy ra tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ là những thông điệp có sức mạnh to lớn làm thay đổi thái độ và hành vi của người dân.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thiết phải có nhiều hơn nữa những hình ảnh trực quan sinh động mô phỏng tình huống lái xe sử dụng điện thoại gặp sự cố bất ngờ gây tác động trực tiếp và gián tiếp đến người tham gia giao thông để thấy được nguy hiểm có thật, mà không phải chỉ là cảnh báo; đồng thời cần hướng dẫn tích cực, cụ thể hơn nữa những kỹ năng sử dụng điện thoại an toàn cho tài xế.

Hiểu Lam