Sửa Luật Đất đai - Tạo đà cho phát triển bền vững

- Thứ Tư, 13/04/2022, 07:00 - Chia sẻ
Đất đai - đầu vào quan trọng của sản xuất, do đó cơ chế quản lý đất đai minh bạch, công bằng, hiệu quả thì năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được tăng lên. Tuy vậy, sau 10 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy, quá trình thực hiện Luật còn những bất cập, vướng mắc, gây không ít cản trở cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp...

"Nút thắt" phát triển

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, yếu tố đất đai chính là "nút thắt" gây nhiều khó khăn nhất cho họ trong việc tạo lập và hoàn thành dự án, gia tăng nguồn cung bất động sản trên thị trường. Các dự án cần phải có quỹ đất sạch, thì mới có thể đẩy nhanh xây dựng, sớm bàn giao. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất để triển khai dự án. Điều này, luôn khiến doanh nghiệp mệt mỏi bởi mất quá nhiều thời gian; đồng thời cũng là lãnh địa phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest cho biết: GP Invest có một dự án bất động sản tại Việt Trì (Phú Thọ) từ năm 2008 đến nay vẫn chưa triển khai vì “vướng” quy định hệ số đền bù giải phóng mặt bằng. Cụ thể, Luật Đất đai quy định, hệ số đền bù do cấp tỉnh quy định, nhưng mỗi tỉnh lại quy định một hệ số khác nhau. Tại Phú Thọ, hệ số này đang thấp hơn các tỉnh lân cận từ 4 - 6 lần, nên người dân không hợp tác. Chính vì thế, hơn 12 năm đã qua, doanh nghiệp rót vốn đầu tư trên 90 tỷ đồng mà đến nay vẫn chưa triển khai xong giai đoạn 1. “Sự ì ạch của dự án không phải do lỗi của chính quyền tỉnh mà xuất phát từ cơ chế luật pháp quá rắc rối”- ông Hiệp bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Thao, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản Lan Hưng cho biết, khó khăn vướng mắc lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay đó là thu hồi đất để thực hiện dự án. Hiện, Tập đoàn đang thực hiện một loạt dự án đầu tư nhà ở xã hội tại một số tỉnh, thành phố, mặc dù làm nhà ở xã hội thì được Nhà nước giao đất, song thực tế chủ đầu tư, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân. Tuy nhiên, do khung giá đất ở mỗi địa phương lại xây dựng khác nhau, ví dụ như cùng một vị trí, nhưng đơn giá đất bên Thuận Thành (Bắc Ninh) rẻ hơn bên Gia Lâm hàng chục giá (dù thửa đất chỉ cách một bờ mương)… Điều này sẽ gây sự so sánh, trong khi đó chính quyền nhiều khi chưa có sự đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên đôi khi cũng cảm thấy bế tắc trong quá trình triển khai thực hiện…

Theo điều tra thường niên của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với 12.000 doanh nghiệp cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp trở ngại với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 48% doanh nghiệp gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trên 40% gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, phê duyệt. Mâu thuẫn nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục, và những vướng mắc do quy định chồng chéo, liên quan đến các luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, bảo vệ môi trường… 

Nguồn: ITN

Khơi thông nguồn lực đất đai

Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc "mập mờ" trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng: Luật cần được rà soát toàn diện để loại bỏ những rào cản, nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, tạo đà cho phát triển.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Để biến đất đai là nguồn lực cho phát triển, không còn cách nào khác phải thay đổi tư duy về đất đai. Chẳng hạn, trực tiếp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thì phải sửa phần tài chính đất đai để doanh nghiệp thuận lợi nhất; đồng thời sửa đổi những thủ tục hành chính về đất đai sao cho gọn, ông Võ nhấn mạnh, cần tính đến câu chuyện chuyển đổi số trong quản lý đất đai, bởi chỉ có chuyển đổi số trong quản lý đất đai mới có sự thay đổi, ngăn ngừa tham nhũng trong giao, cho thuê đất công.

Đồng tình với ông Võ, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, hoạt động kinh doanh bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào quy định của Luật Đất đai năm 2013, vì đất đai là một phần quan trọng trong kinh doanh bất động sản và mọi bất động sản khác đều gắn liền với đất đai. Tuy nhiên, có nhiều quy định của Luật Đất đai hiện hành đang gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động kinh doanh bất động sản. Chính vì thế, việc sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét sửa đổi toàn diện các luật khác, chứ sửa đổi, bổ sung lẻ tẻ không giải quyết được triệt để những khó khăn, vướng mắc.

Hải Thanh