Phát triển cụm công nghiệp

Sớm tháo gỡ khó khăn

- Thứ Ba, 26/04/2022, 07:16 - Chia sẻ
Sau 4 năm thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và gần 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp về quản lý và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định cho thấy, không ít vướng mắc, nhất là thiếu sự hướng dẫn kịp thời của các bộ, ngành chức năng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.

Thiếu hướng dẫn, khó triển khai

Hiện, Bình Định có 61 cụm công nghiệp, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 27 cụm công nghiệp/tỉnh. Tại 61 cụm công nghiệp này, Bình Định thực hiện mô hình chủ đầu tư theo 2 hướng: Nhà nước làm chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Quá trình thực hiện cho thấy, đối với đơn vị của Nhà nước làm chủ đầu tư, có nhiều thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp thứ cấp trả chi phí thấp do đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp vì mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, không vì mục tiêu chính là lợi nhuận nên được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hạn chế đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách cấp huyện đầu tư, vốn ứng trước của doanh nghiệp thứ cấp nên tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật thường bị chậm, thiếu đồng bộ; việc khắc phục các hư hỏng của hạ tầng không kịp thời làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, điều dễ nhận thấy của mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư luôn thể hiện tính năng động, phù hợp với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường và giảm được gánh nặng ngân sách nhà nước.

Mỗi một mô hình đều có những lợi thế, hạn chế nhất định, trong khi đó thì những quy định liên quan lại thiếu sự hướng dẫn. Cụ thể, Khoản 2, Điều 20 của Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, chủ đầu tư được huy động vốn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, nhưng việc huy động như thế nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho nhà đầu tư, nhất là đối với các dự án do các huyện, thành phố hoặc doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Ngoài ra, Nghị định này cũng chưa quy định rõ ràng việc bàn giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp từ các đơn vị sự nghiệp công lập sang các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng để đầu tư mở rộng cụm công nghiệp cho nên quá trình thực hiện gặp không ít trở ngại.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp để tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. 

Cụm công nghiệp Nhơn Tân tại thị xã An Nhơn, Bình Định

Nguồn: ITN 

Vẫn còn nhiều đầu mối

Hiện nay, pháp luật quy định chức năng quản lý các dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp còn chồng chéo; quá nhiều cơ quan có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý. Đơn cử, pháp luật quy định Sở Công thương cấp tỉnh cùng UBND cấp huyện được giao thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, tham mưu thành lập Ban quản lý cụm công nghiệp, hướng dẫn thu hút đầu tư… Tuy nhiên, để triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, các doanh nghiệp phải liên hệ, thực hiện các thủ tục tại rất nhiều cơ quan khác nhau, như: công tác lập và thẩm định dự án đầu tư, doanh nghiệp phải liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, đánh giá tác động môi trường; với Sở Xây dựng để quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng…

Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn liên quan lại thiếu những quy định cụ thể. Đơn cử, Khoản 9, Điều 1 Nghị định số 66/2020/NĐ-CP quy định “... Trong quá trình thực hiện, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau 12 tháng kể từ ngày thành lập, mở rộng cụm công nghiệp hoặc ngừng thực hiện, chậm triển khai dự án 12 tháng so với tiến độ tại quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp thì UBND cấp tỉnh xem xét gia hạn hoặc quyết định lựa chọn chủ đầu tư khác”.

Tuy nhiên, Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16.11.2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương chưa quy định hồ sơ, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp “khác” đối với cụm công nghiệp đã quyết định thành lập nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hay, tại Khoản 8, Điều 1 Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, điều kiện thành lập cụm công nghiệp “Có trong phương án phát triển cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng có quy hoạch đã được phê duyệt, và trong khi chờ quy hoạch được tỉnh phê duyệt, Sở Công thương vận dụng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, cho rằng điều kiện “Có trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt”. Cách vận dụng này tuy là “tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, nhưng đối với cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ tham mưu, xử lý hồ sơ thì chưa thật sự “an tâm”. Vấn đề này, đến nay Bộ Công thương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện.

Từ những vướng mắc, kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương có giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp. Trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích mô hình doanh nhiệp làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, đồng thời hướng dẫn chuyển đổi mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ đơn vị sự nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp làm chủ đầu tư và xử lý tài sản công đã đầu tư…

Phạm Dân