Ngăn chặn tối đa ngộ độc thực phẩm

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thế nhưng, số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm vẫn còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Theo các chuyên gia, để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng đến ý thức thực hiện sử dụng thực phẩm của mỗi người dân trong cộng đồng.

81 vụ ngộ độc thực phẩm trong 10 tháng

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10.2020, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm với 373 người bị ngộ độc. Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 81 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.040 người bị ngộ độc, trong đó có 21 người tử vong. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho biết, qua phân tích các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận từ năm 2010 - 2020 cho thấy, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), do độc tố tự nhiên (chiếm 28,4%), hóa chất (chiếm 4,2%)…

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong, có khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn công nghiệp (suất ăn chế biến sẵn) từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt. Những đối tượng như công nhân, sinh viên… có thu nhập thấp thường có xu hướng chọn lựa các loại thực phẩm rẻ, suất ăn giá rẻ, do đó nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng cao hơn. Cùng với đó, có những bếp ăn tập thể sử dụng nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không bảo đảm an toàn…

Kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tại một nhà hàng
Kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tại một nhà hàng

Đánh giá về thách thức đối với vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình là thách thức lớn đối với nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Đồng thời, thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Chưa kể, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp; việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn...

Kiên trì, quyết liệt, đồng bộ

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, trong 2 tháng cuối năm, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường thanh tra, hậu kiểm từ trung ương đến địa phương theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả; đồng thời tăng cường giám sát chủ động, cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ và kiểm soát phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ chuyên trách nắm chắc những đối tượng cung cấp thức ăn sẵn, xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp đối với từng khu chế xuất, khu công nghiệp, từng bếp ăn tập thể.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ thanh kiểm tra, xử phạt là chưa đủ, mà cần đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng. Cụ thể, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.

“Bảo đảm an toàn thực phẩm là việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt. Chúng ta không chỉ tăng cường năng lực quản lý nhà nước, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm mà còn phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân. Với mỗi người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Giải đáp pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả
Pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả; các văn bản hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện.