Lỗi không phải ở luật

- Thứ Tư, 18/05/2022, 06:58 - Chia sẻ

Theo dõi nội dung Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành và một số địa phương gần đây về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành", nhiều ý kiến cho rằng, những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay không phải lỗi của luật mà do tổ chức triển khai thực hiện.

Chậm hướng dẫn chi tiết

Để bảo đảm tính đồng bộ với Luật Quy hoạch 2017, đã có 73 luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung, trong đó ngay tại Luật Quy hoạch đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 18 luật và 3 pháp lệnh. Ngoài ra, để có cách hiểu thống nhất về một số quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

Theo các chuyên gia, Luật Quy hoạch năm 2017 có tinh thần rất tiến bộ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Lần đầu tiên có các quy định về nội dung, loại hình, nguyên tắc, kinh phí, quy trình… cho quy hoạch. Đặc biệt, Luật Quy hoạch đã loại bỏ sự chồng chéo, tích hợp giữa các bên liên quan cũng như loại bỏ các quy hoạch sản phẩm, phù hợp với điều kiện hội nhập và kinh tế thị trường. Có thể nói, sự ra đời của Luật đã đánh dấu một bước ngoặt, chấm dứt cách làm quy hoạch manh mún, phân lập, kiểu kỹ thuật chuyên ngành sang phương pháp quy hoạch lãnh thổ, tích hợp, đa ngành hoặc tích hợp song hành.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm kể từ ngày Luật được ban hành, trong tổng số 110 quy hoạch (3 quy hoạch cấp quốc gia, 38 quy hoạch ngành quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh), mới chỉ có một số quy hoạch được phê duyệt gồm: Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Còn lại đều đang trong quá trình lập quy hoạch hoặc thẩm định.

Từ con số khiêm tốn trên, một câu hỏi dễ dàng được đặt ra: tại sao một luật tiến bộ như vậy nhưng chậm đi vào cuộc sống? Trưởng ban Tổng hợp, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Hà cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình lập quy hoạch, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng quy hoạch. Cụ thể, một số quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh, hoặc chưa có sự sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định mới.

Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn chi tiết đối với các quy định tài chính cho các hoạt động quy hoạch dẫn tới nhiều vướng mắc về lập dự toán, giải ngân; thanh, quyết toán (giữa chủ đầu tư - nhà thầu, chủ đầu tư - cơ quan nhà nước về tài chính); giải thích về dự toán và quyết toán thực tế. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công song chưa có quy định cụ thể cho việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật Ngân sách nhà nước.

Mặt khác, hiện Bộ Tài chính mới chỉ có các văn bản dưới dạng công văn để hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, gây khó khăn cho việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch nói chung và việc sử dụng kinh phí thẩm định quy hoạch tỉnh nói riêng. Đây là một nguyên nhân khiến cho việc xây dựng dự toán khó khăn, làm giảm thời gian lập quy hoạch dù nhiệm vụ quy hoạch có thể đã được phê duyệt sớm.

Tư vấn lập quy hoạch chưa bảo đảm 

Theo Điều 16, Luật Quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch là một trong những bước bắt buộc trong quy trình lập tất cả các loại quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể quốc gia đến quy hoạch tỉnh.

Các chuyên gia đều cho rằng, chất lượng tư vấn là một trong những yếu tố quyết định sự “thành bại” của các quy hoạch, tuy nhiên hiện nay số tổ chức tư vấn có năng lực thực sự mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài chuyên môn, chuyên gia tư vấn phải có kiến thức về kinh tế, sự nhạy cảm về chính trị. Với yêu cầu này, không dễ để lựa chọn chuyên gia nước ngoài, chuyên gia trong nước thì chỉ ở các viện của các bộ mới được tiếp cận, còn ở địa phương năng lực rất hạn chế. Song viện chiến lược ở các bộ cũng mới chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng chiến lược cho ngành, còn thiếu tầm nhìn về quy hoạch tổng thể.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương Nguyễn Văn Hội cho biết thêm, có tình trạng tổ chức tư vấn lập quy hoạch sau khi trúng thầu lại thuê lại bên thứ ba làm thầu phụ, một số đơn vị năng lực kém được trúng thầu thì lại đi nhờ… các chuyên gia ở các bộ. Nếu không có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về tổ chức tư vấn lập quy hoạch thì chất lượng quy hoạch thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Lo lắng về việc mới chỉ có 1/63 tỉnh, thành phố được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, nhiều chuyên gia nhấn mạnh thực tế, không có một đơn vị độc lập nào làm được quy hoạch tỉnh, thực tế nhiều Viện kết hợp lại mới làm được. Do đó cần rà soát lại việc lập quy hoạch tỉnh khi mà nhiều quy hoạch tỉnh phải liên doanh với hàng chục tổ chức tư vấn.

Để nâng cao chất lượng tư vấn lập quy hoạch nói riêng, khắc phục những hạn chế của công tác quy hoạch nói chung, các ý kiến đồng tình, Chính phủ, các bộ, ngành cần báo cáo sâu hơn với các đoàn giám sát của Quốc hội về thực trạng chất lượng các đơn vị tư vấn, việc lựa chọn tư vấn cũng như nguồn nhân lực. Luật Quy hoạch là một luật rất tiến bộ nhưng mới chỉ có những quy định mang tính nguyên tắc, định hướng. Vì vậy, việc cần làm hiện nay không phải là sửa luật mà cần sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn chi tiết để phát huy tối đa hiệu quả của luật trong đời sống.

Anh Dũng