Mua nhà ở xã hội

Không để “tiền mất tật mang”

- Chủ Nhật, 24/04/2022, 06:39 - Chia sẻ
Nhà ở tại các thành phố lớn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm khi lượng dân cư ngày càng gia tăng. Song, với giá nhà ở thương mại cao như hiện nay, không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua. Do đó, nhu cầu mua bán nhà ở xã hội diễn ra vô cùng sôi động, nhưng kèm theo đó là rất nhiều rủi ro cho người mua nhà.

Chen chúc nộp hồ sơ

Luật Nhà ở năm 2014 quy định nhà ở xã hội là một loại hình nhà ở thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước hoặc các loại hình nhà được sở hữu và quản lý bởi Nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội như: công chức của Nhà nước chưa có nhà ở ổn định, người thu nhập thấp… và được bán, cho thuê hoặc cho ở với giá rẻ so với giá thị trường.

Thực tế, hiện tại Hà Nội giá phân khúc tầm trung đối với nhà ở thương mại rơi vào tầm 35 - 50 triệu đồng/1m² nên không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua nhà ở thương mại. Trong khi đó, nhà ở xã hội có giá ưu đãi chỉ bằng 1/2 giá nhà ở thương mại, tầm 14 -17 triệu đồng/m². Để mua được nhà ở xã hội người mua phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể theo quy định pháp luật, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. 

Tại một số dự án nhà ở xã hội có vị trí đẹp ở nội đô, rất nhiều người phải chen chúc nộp hồ sơ đề giành quyền mua căn hộ. Một số dự án đã có tỷ lệ 1 chọi 7, 1 chọi 10, tức là cứ 7 đến 10 người nộp hồ sơ thì mới có 1 suất mua. Vậy nhưng, có một thực tế là sau đó căn hộ lại bị bỏ trống khiến nhiều người bức xúc cho rằng đây là tình trạng “người ăn không hết kẻ lần chẳng ra”. Đặc biệt, không khó để thấy các lời mời chào mua bán nhà ở xã hội xuất hiện ở các trang nhà đất. Do đó, nhiều người buộc phải mua lại nhà ở xã hội với giá cao hơn, mà cũng không phải đã mua được. Chị Đặng Thị Huệ, công nhân tại Công ty Honda cho hay, vợ chồng chị đã đăng ký mua nhà ở xã hội 2 năm nay chưa có kết quả. Gần đây nhất, khi nghe thông tin quận Long Biên có bán nhà ở xã hội, nhưng anh, chị cũng không biết tìm nguồn thông tin chính thống ở đâu, để không phải mua nhà qua trung gian, môi giới.

Trong vai một người cần mua nhà, phóng viên đã liên hệ người có Facebook “Hoàng San” đang cần bán căn hộ CH25 - nhà ở xã hội tại Ecohome 3, Bắc Từ Liêm, Hà Nội có diện tích 69,1m2 với giá 1 tỷ 850 triệu đồng. Theo đó, căn hộ được bán với giá hơn 26 triệu đồng/1m², như vậy người bán thu lời 10 triệu đồng/1m². Đáng nói, theo lời người bán, người mua không được sang tên căn hộ mà chỉ có hợp đồng chuyển nhượng từ người bán, hết thời hạn mua bán người bán mới được chuyển nhượng. 

Mua bán nhà ở xã hội, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nguồn: ITN 

Tìm hiểu kỹ thông tin

Có thể thấy, các cơ quan chức năng đã cảnh báo việc mua bán trong 5 năm đầu hoặc sử dụng nhà ở xã hội không đúng mục đích tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên tình trạng mua bán nhà, sử dụng nhà ở xã hội không đúng mục đích đang diễn ra khá phổ biến, thông qua các hình thức như cải tạo đập thông 2 căn hộ để tăng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng, thậm chí tại một số dự án hàng trăm căn hộ không có người sử dụng dù đã được bán.

Điều 62, Luật Nhà ở quy định, trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này, thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội (nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán) và việc bán nhà không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, Khoản 5, Điều 62 Luật Nhà ở cũng quy định rõ, bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 5 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp sổ đỏ nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.

Như vậy, mọi giao dịch mua bán nhà ở xã hội trong 5 năm đầu tiên đều vô hiệu về mặt pháp lý. Hình thức lách luật mua bán nhà ở xã hội phổ biến hiện nay là lập vi bằng, hợp đồng hứa mua hứa bán, hợp đồng ủy quyền, lập di chúc cho người mua… Các hình thức này đều mang lại cho người mua lại nhà ở xã hội nhiều rủi ro về sau. Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, nhiều hành vi mua bán nhà ở xã hội không đúng mục đích đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải chấn chỉnh các tổ chức hành nghề công chứng trong việc thực hiện công chứng các hợp đồng liên quan đến nhà ở xã hội.

Hiện, đối với thủ tục, trình tự mua nhà ở xã hội đã được quy định rõ tại các văn bản như Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 20/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng... Chính vì thế, khi có nhu cầu về nhà ở xã hội, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật; cũng như các thông tin dự án, khách hàng. Các thông tin này nên tìm hiểu ở các kênh chính thống như website của Sở Xây dựng các tỉnh thành và của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhằm tránh việc bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang”.

Thái Yến-Nguyễn Ngân