Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Cơ quan thanh tra phải thực sự là thiết chế phát hiện, xử lý vi phạm

- Thứ Năm, 26/05/2022, 07:11 - Chia sẻ

Phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, để thanh tra thực sự trở thành một thiết chế hành chính, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; đồng thời cần có quy định rõ trách nhiệm của các thành viên đoàn thanh tra... Đó là những nội dung được nhiều cử tri góp ý cho Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến vào ngày hôm nay (26.5).

Cử tri Nguyễn Hồng Tâm, Hà Nội: Bổ sung quy định trách nhiệm của thành viên đoàn thanh tra

Cơ quan thanh tra phải thực sự là thiết chế phát hiện, xử lý vi phạm

Có thể thấy, về quy trình tổ chức và bộ máy thanh tra đã khá đầy đủ từ trên xuống dưới, từ trung ương tới cơ sở đều có lực lượng thanh tra. Tuy vậy, hoạt động thanh tra có lúc, có nơi lại chưa thực sự hiệu quả.

Thời gian qua có rất nhiều vụ án nghiêm trọng về kinh tế, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, tham ô tham nhũng, gây tổn thất cho nhà nước đã xảy ra. Tuy nhiên, trong số này, nhiều vụ việc đã có thanh tra, có kết luận rồi, nhưng số trường hợp đoàn thanh tra phát hiện, bị xử lý sai phạm rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn các đoàn không phát hiện ra. Trong khi đó, chính những vụ việc này, khi Cơ quan công an, Ủy ban kiểm tra Trung ương vào cuộc thanh tra, điều tra thì mới phát hiện sai phạm và xử lý. Thực tế, chính những người tham gia các đoàn thành tra vụ việc trước đó lại không bị quy trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng những thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra chưa thực sự công tâm và làm việc hết mình.

Tôi cho rằng, khi thành lập đoàn thanh tra một vụ việc nào đó thì những người trong đoàn phải chịu trách nhiệm vào kết quả thanh tra thì công tác thanh tra mới tốt hơn lên được. Vì vậy, Luật Thanh tra sửa đổi lần này cần bổ sung những quy định trách nhiệm người tham gia hoạt động thanh tra, đặc biệt là trách nhiệm của những người tham gia đoàn thanh tra.

Cử tri Phạm Quốc Trưởng, TP. Chí Linh, Hải Dương: Gắn trách nhiệm trưởng đoàn thanh tra với xử lý sau thanh tra

Cơ quan thanh tra phải thực sự là thiết chế phát hiện, xử lý vi phạm

Trong những năm vừa qua, cán bộ thanh tra đã thực hiện rất tốt chức trách nhiệm vụ của mình, phát hiện các sai phạm trong các lĩnh vực nhà nước quản lý, đặc biệt trong công tác quản lý đất đai, đầu tư công… Qua đó, đã thấy những kẽ hở của pháp luật đối với thực tiễn. Song, công tác giám sát sau thanh tra vẫn còn chưa triệt để, dẫn tới một số vụ việc còn kéo dài như các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng.

Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác sau thanh tra, cần gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra đối với công tác xử lý sau thanh tra; đồng thời nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra như: xác lập các biên bản phải chặt chẽ, bảo đảm đầy đủ tính pháp lý để làm căn cứ phục vụ cho việc ban hành kết luận thanh tra.

Cử tri Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ: Phân biệt rõ thanh tra với kiểm tra

Cơ quan thanh tra phải thực sự là thiết chế phát hiện, xử lý vi phạm -0

Để hoạt động thanh tra có hiệu quả, Luật Thanh tra (sửa đổi) cần tiếp tục phát huy được vai trò nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; mặt khác phải thực sự là một thiết chế góp phần phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm, góp phần giữ kỷ cương, kỷ luật về hành chính. Vị trí của cơ quan thanh tra vẫn phải đặt ở các cơ quan thực hiện chức năng hành pháp, nhưng thanh tra phải là thiết chế để kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp. Đặc biệt, để tránh sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra đảng nên chăng nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cơ quan thanh tra với lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra cùng cấp.

Liên quan đến hình thức thanh tra chuyên ngành, với đặc thù là một thiết chế để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuộc các ngành, lĩnh vực thì sẽ do các bộ, ngành trực tiếp quản lý. Do tính chất đa ngành, đa lĩnh vực và sự đa dạng trong phương thức tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, nên vị trí của thanh tra chuyên ngành sẽ là các tổ chức trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ. Mô hình tổ chức, hoạt động của của hình thức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành này sẽ do Chính phủ quy định...

Với cách xác định trên có ưu điểm sẽ phân biệt rạch ròi giữa hoạt động tự kiểm tra của người quản lý với hoạt động thanh tra - một thiết chế phát hiện và xử lý vi phạm của bộ máy hành chính, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về tính độc lập trong tổ chức, hoạt động thanh tra theo Luật hiện hành.

Cử tri Nguyễn Văn Phi, Phó Giám đốc Công ty Luật LawKey: Cần thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra

Cơ quan thanh tra phải thực sự là thiết chế phát hiện, xử lý vi phạm -0

Luật Thanh tra (sửa đổi) cần phải xác định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể, nguyên tắc thanh tra “Không trùng lặp về nội dung, phạm vi giữa các cơ quan thanh tra và giữa Cơ quan thanh tra với Cơ quan kiểm toán nhà nước” sẽ được thượng tôn và xuyên suốt.

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra (sửa đổi) phải sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thanh tra cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đều được thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả. Các hoạt động thanh tra sẽ được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước.

Mai Hương - Thái Yến ghi