Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18.4

Chung tay trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

- Thứ Hai, 18/04/2022, 07:10 - Chia sẻ
Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Chính vì thế, bên cạnh những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, tạo việc làm, sinh kế thì trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cũng được coi trọng.

Hơn 9.000 người được trợ giúp pháp lý

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau 4 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, hệ thống trợ giúp pháp lý trong cả nước đã thực hiện 9.141 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, trong đó có 2.062 vụ tham gia tố tụng. Số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng tăng lên hàng năm, chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý trong các nhóm đối tượng yếu thế. Đã có hơn 400 vụ việc trợ giúp pháp lý thành công hiệu quả cho người khuyết tật. Đặc biệt, có những vụ việc người khuyết tật có khó khăn về tài chính được bào chữa vô tội, được giảm hình phạt, được chuyển tội danh nhẹ hơn (trong lĩnh vực hình sự) hoặc thắng kiện, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình (trong lĩnh vực dân sự và hành chính).

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp Cù Thu Anh cho biết, với tôn chỉ hoạt động “lấy người được trợ giúp pháp lý là trung tâm”, có thể khẳng định công tác này đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách an sinh đối với các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã kịp thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật có khó khăn về tài chính nói riêng và người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nói chung khi họ có vướng mắc về pháp luật, tạo niềm tin vào công lý của người dân.

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Kiên Giang Bùi Đức Độ cho hay, các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ở Kiên Giang được lồng ghép với các hoạt động trợ giúp pháp lý khác nhằm bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các kế hoạch, chương trình, đề án về người khuyết tật. Trong thực hiện, có sự tham gia, phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức về người khuyết tật, Phòng Tư pháp và UBND cấp xã… Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã bào chữa/bảo vệ và đại diện ngoài tố tụng cho 17 người khuyết tật có khó khăn về tài chính là bị can, bị cáo, bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự.

Một buổi trợ giúp và tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh

Nguồn: ITN 

Đẩy mạnh truyền thông

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Kiên Giang Bùi Đức Độ chia sẻ, trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật có những khó khăn nhất định. Ðối với những người khuyết tật về cơ thể thì có thể giao tiếp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhưng người khuyết tật về tinh thần thì phải thông qua người thân nên đôi khi khó xác định có phải nguyện vọng chính xác hay không. 

Thực tế, đa phần người khuyết tật đi lại khó khăn nên đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý phải có sự tận tâm, chịu khó xuống địa bàn cơ sở để tiếp cận, tư vấn và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan mà người khuyết tật vướng mắc để tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi cho họ.

Phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, do một số cơ quan, tổ chức trong quá trình xử lý, giải quyết công việc có liên quan đến người khuyết tật có khó khăn về tài chính chưa quan tâm đúng mức việc phổ biến quyền được trợ giúp pháp lý, thông báo, thông tin cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước về vụ việc trợ giúp pháp lý, nên quá trình trợ giúp pháp lý cho đối tượng này còn có trở ngại nhất định.

Ông Bùi Đức Độ cho rằng, làm thế nào để công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật một cách đầy đủ, phù hợp với từng đặc điểm khuyết tật của người được trợ giúp pháp lý là vấn đề đặt ra trong thời gian tới của ngành tư pháp. Đồng thời, cần chế tài cũng như chế độ khen thưởng, khuyến khích để bảo đảm thực hiện quy định tại Điều 42, Luật Trợ giúp pháp lý “Trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý”. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực nhiều hơn vào thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể,  bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Cùng quan điểm với ông Độ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang Đồng Việt Phương cho rằng, truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính sẽ tạo được sự lan tỏa, sự đồng hành của các cấp, các ngành, giúp cộng đồng người khuyết tật không mặc cảm, cố gắng vượt lên chính mình. Mặt khác, thông qua hoạt động này kịp thời cung cấp thông tin về các quy định cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, để khi cần thiết những người là đối tượng được trợ giúp pháp lý sẽ chủ động yêu cầu trợ giúp pháp lý.

 

Box: Giai đoạn 2012 - 2020, ngành tư pháp đã phát hành trên 300.000 tờ gấp pháp luật với nội dung phổ biến, truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý và các quyền, nghĩa vụ khác của người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

 Nguyễn Minh

Nguyễn Minh