Cảnh giác với lừa đảo trực tuyến

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và lượng người dùng các trang mạng xã hội tăng nhanh hiện nay, lừa đảo trực tuyến đang trở thành thủ đoạn được nhiều đối tượng tội phạm sử dụng nhằm trục lợi bất chính. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân người sử dụng internet, mạng xã hội cần nêu cao cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo.

Dùng app để lấy cắp thông tin

Thống kê của BKAV cũng cho thấy, đã có hàng trăm tỷ đồng đã bị hacker chiếm đoạt qua tấn công an ninh mạng trong năm 2020. Trong đó chủ yếu là các vụ đánh cắp mã OTP giao dịch của người dùng. Cách thức chính của hacker là lừa người dùng cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại để lấy trộm tin nhắn OTP, thực hiện giao dịch bất hợp pháp.

Lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, lừa đảo trực tuyến, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đang dần trở thành xu hướng phạm tội khá phổ biến. Chỉ tính riêng trong năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng trên 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Trong đó, có 776 vụ việc lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật (công an, tòa án, viện kiểm sát nhân dân), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện…, đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền. Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã tiến hành xác minh, điều tra 18 vụ; khởi tố 5 vụ án và 27 bị can; đang tiếp tục xác minh hơn 10 vụ...

Theo các chuyên gia về an ninh cũng như công nghệ thông tin, trong hầu hết vụ việc lừa đảo trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, các đối tượng tội phạm thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân. Có rất nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến, nhưng phổ biến nhất là sử dụng app (ứng dụng), đường link clip, hình ảnh "nóng"... để đánh cắp thông tin và hack tài khoản của người khác, sau đó hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại để chiếm đoạt; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan; gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng. Tinh vi hơn nữa, các đối tượng tạo thành một nhóm cùng đưa ra những thông tin giả ăn khớp với nhau, làm cho nạn nhân không thể biết được thông tin nào là thật, thông tin nào là giả. 

Báo cáo an ninh mạng Việt Nam của Công ty BKAV cũng cho thấy, chỉ tính riêng năm 2020, những kẻ lừa đảo công nghệ cao đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các vụ đánh cắp mã OTP giao dịch của người dùng. Báo cáo của BKAV cũng chỉ rõ, đại dịch nổ ra, hàng loạt doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải chuyển sang làm việc từ xa. Đồng thời, các phần mềm làm việc trực tuyến được tìm kiếm và tải về rầm rộ. Nhiều đơn vị buộc phải mở hệ thống ra internet để nhân viên có thể truy cập và làm việc từ xa… Chính điều này tạo môi trường cho kẻ xấu khai thác lỗ hổng, tấn công, đánh cắp thông tin. 

Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội là công cụ để thực hiện hành vi trục lợi, thu lời bất chính Nguồn: ITN

Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội là công cụ để thực hiện hành vi trục lợi, thu lời bất chính

Nguồn: ITN

Tự bảo vệ mình

Trước diễn biến của loại tội phạm này, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã đẩy mạnh công tác điều tra, khám phá, xử lý các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Đồng thời, phối hợp, chỉ đạo công an các địa phương tiến hành xác minh, xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; ngăn chặn, vô hiệu hóa hàng trăm đường link, tài khoản trên mạng xã hội có nội dung lừa đảo.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện nay số lượng người sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... ở nước ta rất lớn - là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, chế tài xử lý hành vi này còn nhiều kẽ hở, chủ yếu mới dừng ở nhắc nhở và phạt hành chính, trong nhiều trường hợp khó đưa ra quyết định xử lý nên khó mang tính răn đe khiến các đối tượng sẵn sàng không từ thủ đoạn liên kết, móc nối với nhóm người nước ngoài để thực hiện mưu đồ xấu nhằm trục lợi bất chính cho bản thân.

Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an Trương Sơn Lâm lưu ý người dân tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết... 

Đồng tình với lưu ý trên, Giám đốc Công ty Luật AnVi, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, bên cạnh hành lang pháp lý, chế tài xử lý nghiêm minh, các cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội phải luôn tỉnh táo, cảnh giác, cẩn trọng và thông thái để không vi phạm pháp luật, tránh rước phiền toái vào mình.

Giải đáp pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả
Pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả; các văn bản hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện.