Bảo vệ lao động di cư an toàn

- Thứ Bảy, 09/04/2022, 08:16 - Chia sẻ
Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2022. Theo đó, Luật đã có những sửa đổi quan trọng, tạo cơ hội bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Nỗi niềm nơi xứ người

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn có những kết quả khả quan. Trong 4 năm (từ 2015 đến 2019), số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng đáng kể qua từng năm, chạm mốc kỷ lục 152 nghìn người vào năm 2019. Con số này giảm đáng kể trong đại dịch xuống còn 78 nghìn người vào năm 2020 và chỉ còn 45 nghìn người vào năm 2021.

Chị Cao Thị Niệm (Tân Kỳ, Nghệ An) được môi giới giới thiệu sang Đài Loan làm giúp việc gia đình được hơn 3 năm. Khi mới sang, chị Niệm phải làm quần quật từ sáng sớm đến tận trưa muộn mới được nhà chủ cho ăn cơm. Một mình chị phải làm tất cả các công việc trong gia đình từ cơm nước, lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo…Không biết tiếng Đài, không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nên chị Niệm không làm đúng ý của chủ nhà nên thường xuyên bị la mắng, đánh đập, bị bóc lột sức lao động đến kiệt sức nhưng chẳng biết kêu ai. Thời điểm cơ cực nhất, tưởng chừng như không thể tiếp tục công việc này nữa thì chị Niệm đã may mắn được một người đồng hương bên đấy giúp chị giải quyết dứt điểm với chủ nhà đồng thời giới thiệu cho chị sang giúp việc cho một gia đình khác, chị phải chăm một cụ bà nằm liệt giường, mặc dù lương thấp hơn, làm việc cũng khá vất vả vì người già ngủ ít nên thường xuyên phải thức đêm song, nhà chủ tốt bảo đảm được các quyền lợi cho chị. Cũng theo chị Niệm, thực tế có không ít những trường hợp người lao động khi mới sang từng bị chủ nhà ngược đãi giống như chị.

Báo cáo của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho thấy, năm 2021 Nghệ An là một trong những tỉnh dẫn đầu về xuất khẩu lao động với 11.210 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó lao động nữ là 3.491 người. Tuy nhiên, trong quá trình di cư lao động ở nước ngoài, không ít lao động nói chung, lao động nữ nói riêng phải đối mặt với các rủi ro và nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, thậm chí có thể là nạn nhân của những đường dây mua bán người. Xuất phát từ việc di cư lao động không an toàn; công dân tự do đi làm việc ở nước ngoài nên các cơ quan chức năng của Việt Nam khó tiếp cận và hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ; việc thiếu thông tin, hạn chế về ngôn ngữ dẫn đến việc không thể tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật và sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ người lao động ở nước sở tại… 

Nữ lao động di cư là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương

Nguồn: ITN 

Triển khai hiệu quả quy định của Luật

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện có khoảng hơn 580 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, trong đó 30% là lao động nữ. Từ năm 2019 đến hết tháng 11.2021, có tổng số 270,415 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 93,214 lao động nữ). Số lượng này có sự sụt giảm đáng kể trong 2 năm 2020 - 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 (năm 2019 đưa được 147,387 nghìn người, năm 2020 giảm xuống còn 78,641 nghìn người và 11 tháng năm 2021 giảm còn 44,387 nghìn người). Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã gây những khó khăn đối với lĩnh vực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tác động tiêu cực này ảnh hưởng tới tất cả các khâu như: tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi đến việc tổ chức chuyến bay cho lao động đi ra nước ngoài và về nước. 

Xuất phát từ thực tế trên, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực ngày 1.1.2022. Trong đó, có những sửa đổi quan trọng, tạo cơ hội bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong Luật, các nội dung về bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thể hiện khá cụ thể. Đặc biệt, với chủ trương không đưa người lao động đi làm việc bằng mọi giá, mà phải bảo đảm hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo đảm người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cũng như sau khi về nước có vị trí làm việc phù hợp với trình độ kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của người lao động. Ngoài ra, người lao động được bảo đảm quyền bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bảo vệ phù hợp với đặc điểm về giới. 

Theo Trưởng Phòng việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An Trần Phi Hùng, để triển khai hiệu quả, bên cạnh việc chú trọng thông tin tuyên truyền, cần thành lập các cơ quan và đào tạo đội ngũ chuyên trách có đủ năng lực, tận tụy và có tâm với người lao động di cư. Thiết lập hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với các quốc gia có người lao động di cư. “Với chủ trương không đưa người lao động đi làm việc bằng mọi giá, tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung ứng lao động, Hiệp hội đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Cục quản lý Lao động ngoài nước, nhằm quản lý được lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hợp đồng trở về nước để cung ứng cho các đơn vị trong nước. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI vào địa bàn, mở rộng liên kết thị trường lao động” ông Hùng chia sẻ. 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho biết, “ Năm 2021 Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội. Qua đó, cũng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hai nước, trong đó có lao động Việt Nam đi làm việc tại nước này. Sắp tới, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đàm phán các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội với các quốc gia khác như Đức, Nhật Bản... Từ đó, nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi cho lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Bảo Anh