Thống nhất về trình tự, thủ tục đầu tư
Với đặc thù có vốn đầu tư lớn, rủi ro cao; không chỉ chịu sự chi phối của luật pháp Việt Nam mà còn phải tuân theo các thông lệ quốc tế, việc triển khai đầu tư các dự án dầu khí như thăm dò khai thác dầu khí đang gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn này lại càng lớn hơn khi các dự án dầu khí đang bị “trói buộc” bởi hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo, không còn phù hợp trong bối cảnh môi trường đầu tư có nhiều thay đổi.

Chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản pháp luật
Với đặc điểm khác biệt so với các dự án đầu tư thông thường, các dự án dầu khí thường có quy mô đầu tư lớn, được xếp vào nhóm các dự án quan trọng quốc gia, công nghệ cao và đi kèm với những rủi ro không hề nhỏ trong triển khai, đặc biệt là các rủi ro về địa chất đối với các dự án thăm dò, khai thác dầu khí. Trong khi đó, việc triển khai dự án dầu khí, ngoài việc đang chịu sự chi phối của Luật Dầu khí với nhiều quy định không còn phù hợp thì còn chịu sự ảnh hưởng và chồng chéo của nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản dưới luật khác…
Minh chứng rõ nét nhất là Luật Dầu khí dù đã thể hiện khá đầy đủ các giai đoạn, bước thực hiện đối với dự án thăm dò khai thác dầu khí/Hợp đồng dầu khí nhưng lại chưa chỉ rõ các thủ tục đầu tư đầy đủ khi một doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị thuộc PVN có tham gia đầu tư vào dự án dầu khí (trong khi Luật Đầu tư cũng không quy định). Chính sự chồng chéo, thiếu quy định này đã khiến cho việc triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn và khiến doanh nghiệp nước ngoài băn khoăn khi có ý định đầu tư vào các dự án loại này, nhất là khi điều kiện khai thác hiện nay chủ yếu là mỏ nhỏ, ở vùng nước sâu, xa bờ, đòi hỏi chi phí lớn.
Trên thực tế, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác những năm gần đây gặp khó khăn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, PVN chỉ ký được 8 hợp đồng dầu khí mới, chưa bằng 1/3 so với giai đoạn 2010 - 2015 (27 hợp đồng dầu khí mới).
Hơn nữa, theo kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), không chỉ có các dự án thượng nguồn gặp khó khăn, việc triển khai các dự án dầu khí ở lĩnh vực trung nguồn và hạ nguồn như chế biến khí, điện khí cũng gặp “trắc trở” bởi sự chồng chéo về văn bản quy phạm pháp luật và một loạt thông tư hướng dẫn của các bộ, liên bộ, ngành liên quan; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đến quản lý quá trình triển khai xây dựng và kết thúc đưa dự án vào vận hành khai thác. Ví dụ rất rõ có thể thấy là trong việc triển khai các dự án đường ống dẫn khí từ mỏ/miệng giếng khai thác ngoài khơi về bờ và đến các hộ tiêu thụ (nhà máy điện, nhà máy đạm...).
Lúng túng khi triển khai công trình trên bờ
Trong trường hợp các dự án thăm dò khai thác khí, mở rộng thêm khâu vận chuyển khí về bờ và đến hộ tiêu thụ cuối cùng thì việc xây dựng các công trình trên biển chịu sự điều chỉnh của Luật Dầu khí, còn việc xây dựng các công trình bổ sung trên bờ sẽ chịu sự điều chỉnh bởi Luật Xây dựng. Điều này, khiến các nhà thầu dầu khí/chủ đầu tư cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý đầu tư xây dựng lúng túng về hướng xử lý các thủ tục liên quan cần thiết như thẩm định các bước thiết kế, cấp giấy phép xây dựng các công trình trên bờ...
Không ít ý kiến cho rằng, những “lúng túng” về quy trình, thủ tục cho công trình trên bờ sẽ dễ dẫn tới chậm tiến độ dự án thăm dò khai thác, trong khi dự án này vốn đã rất khó khăn và mất nhiều thời gian cho việc xác định mô hình tiêu thụ khí cũng như đàm phán các thỏa thuận mua bán khí.
Trên thực tế, hoạt động tìm kiếm, thăm dò trên thế giới được coi là hoạt động đầu tư rủi ro, không thể đánh giá và khẳng định hiệu quả đầu tư “có lợi nhuận” ở thời điểm đề xuất thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò và thẩm lượng. Hoạt động này chỉ có thể có hiệu quả đầu tư (có lợi nhuận) khi có phát hiện dầu khí có giá trị thương mại. Trong trường hợp phát hiện không có giá trị thương mại dẫn đến không có công bố thương mại thì toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình tìm kiếm, thăm dò và thẩm lượng của hợp đồng dầu khí trở thành chi phí rủi ro.
Gỡ “vướng” trong đầu tư dự án dầu khí
Tác động kép của đại dịch Covid-19 và các vướng mắc pháp lý đã, đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý đầu tư, xây dựng dự án. Nếu không được tháo gỡ sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cũng như hiệu quả đầu tư các dự án, đặc biệt là lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Theo các chuyên gia, cần rà soát các quy định, phù hợp với chiến lược, kế hoạch, nhu cầu đầu tư hàng năm, không phụ thuộc quy mô dự án, có thể giao cho doanh nghiệp tự quyết định việc thực hiện đầu tư vào các dự án tìm kiếm, thăm dò.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27.7.2021, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022).
Nhiều ý kiến, kiến nghị, để bảo đảm tính thống nhất về quy trình, thủ tục đầu tư, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần bổ sung trình tự thẩm định, phê duyệt các báo cáo khi thực hiện các hoạt động dầu khí (Báo cáo đánh giá trữ lượng - RAR, Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí - ODP, Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí - FDP, Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí - EDP và Kế hoạch thu dọn các công trình dầu khí), đồng thời bổ sung mới trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt chương trình thăm dò dầu khí mở rộng, tận thăm dò để có cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động dầu khí.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục trong việc xây dựng các công trình khí (đường ống, trạm xử lý khí) trên bờ thuộc các dự án thăm dò khai thác và bổ sung quy định trong lập, thẩm định Báo cáo Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí tổng thể tương ứng (phù hợp, thống nhất với các quy định liên quan trong Luật Xây dựng).