Nguồn: sggp.org.vn |
Nhiều kết quả không dừng lại ở quy định của Thỏa ước
Báo cáo đánh giá quá trình thí điểm Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may lần thứ nhất (ký ngày 26.4.2010 với sự tham gia của 69 doanh nghiệp) cho thấy, sau hơn 1 năm thực hiện Thỏa ước đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là xây dựng và bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động, trong thời gian thí điểm không có đơn vị nào tham gia Thỏa ước để xảy ra đình công, giảm được tình trạng biến động lao động, nhất là trong dịp Tết. Sau khi tham gia Thỏa ước, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh mức ăn giữa ca, mức lương tối thiểu, chế độ thưởng cho người lao động. Hầu hết các đơn vị đều điều chỉnh mức lương thấp nhất trả cho lao động đã qua đào tạo nghề cao hơn tối thiểu 10% so với lương tối thiểu vùng (thay vì 7% theo Nhà nước quy định), phụ cấp độc hại tối thiểu cao hơn 7% (thay vì 5% theo quy định của Nhà nước); điều chỉnh tăng đơn giá tiền lương nhưng không tăng định mức lao động. Với các nội dung không quy định trong Thỏa ước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động… các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Nguyễn Tùng Vân cho rằng, sau khi tham gia Thỏa ước, nhận thức của cả doanh nghiệp và người lao động đã thay đổi hẳn. Doanh nghiệp nhận thức rõ người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp, còn người lao động thì nắm tương đối rõ quyền và lợi ích của mình. Quan trọng hơn là đã bước đầu hình thành thị trường giá cả sức lao động trong lĩnh vực dệt may, khiến các doanh nghiệp cảm nhận được sức ép: nếu trả lương không tương xứng với công sức của người lao động thì sẽ không duy trì, phát triển được nguồn lao động, xấu hơn là dẫn đến đình công, lãn công...
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang thì cho rằng, kết quả đáng ghi nhận hơn cả là có những việc Thỏa ước không quy định nhưng đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện để tăng quyền lợi cho người lao động. Ví dụ, một số doanh nghiệp tổ chức ăn sáng, ăn trưa miễn phí cho người lao động; triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân không mất tiền; thành lập các quỹ hỗ trợ nữ lao động nghèo, người lao động đặc biệt khó khăn; xây nhà trẻ cho con của người lao động để họ yên tâm làm việc; thậm chí cho người lao động đi du lịch trong nước và cả nước ngoài bằng chính kinh phí của doanh nghiệp… Ông Giang cho rằng, đây là những việc làm thể hiện văn hóa, ý thức, tầm nhìn của các doanh nghiệp đối với sự phát triển nguồn lao động một cách bền vững.
Tuy nhiên, với câu hỏi: có phải tất cả các doanh nghiệp dệt may đều làm được như thế hay không thì câu trả lời là chưa. Bởi thành phần tham gia Thỏa ước chưa đa dạng, phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, còn các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, đầu tư nước ngoài tham gia rất ít. Điều này đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp dệt may. Và một thực tế là thời gian qua, đình công hầu hết xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài, còn các doanh nghiệp nhà nước không những không để xảy ra đình công về tiền lương mà còn duy trì được chế độ thi nâng bậc lương hàng năm. Tuy nhiên, về việc này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết không thể yêu cầu các doanh nghiệp dệt may FDI ký Thỏa ước vì quy định của pháp luật chưa cho phép các doanh nghiệp FDI tham gia Hiệp hội.
Cần mở rộng đối tượng tham gia Thỏa ước
Ngoài việc giữ nguyên các quy định về cam kết chung của người sử dụng lao động và tập thể người lao động, quy định về thang, bảng lương, Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may lần thứ 2 được sửa đổi, bổ sung khá nhiều điểm mới. Theo đó, mức ăn giữa ca tối thiểu sẽ không áp dụng một mức sàn chung nữa mà chia thành 4 vùng theo mức lương tối thiểu của từng vùng. Tăng mức thu nhập tối thiểu bình quân đối với người lao động là công nhân nếu làm việc đầy đủ theo thời gian làm việc tiêu chuẩn và đảm bảo định mức lao động, chất lượng sản phẩm: thu nhập bình quân của công nhân tối thiểu là 1,95 triệu đồng/người/tháng đối với vùng 1; vùng 2 là 1,85 triệu đồng/người/tháng; vùng 3 là 1,75 triệu đồng/người/tháng và vùng 4 là 1,55 triệu đồng/người/tháng. Định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, căn cứ vào tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố, đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động xem xét thỏa thuận điều chỉnh tăng các chế độ ăn giữa ca và thu nhập bình quân tối thiểu cho phù hợp. Đối với các doanh nghiệp đã đạt được mức cao hơn các chế độ quy định trong Thỏa ước tại thời điểm ký kết thì người sử dụng lao động phải bảo đảm tối thiểu bằng các mức đó… Nội dung Thỏa ước sau khi sửa đổi, bổ sung đã được toàn bộ 69 đơn vị tham gia thí điểm tiếp tục đăng ký tham gia và có thêm 13 đơn vị mới đăng ký, nâng tổng số đơn vị tham gia lên 82 doanh nghiệp với gần 100.000 lao động. Thỏa ước sẽ có hiệu lực trong thời gian 2 năm.
Tuy nhiên, để Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may thực sự phát huy tác dụng, góp phần tạo mặt bằng tối thiểu về điều kiện lao động và giá cả sức lao động dệt may, giảm tối đa biến động lao động và đình công, cần xây dựng kế hoạch mở rộng đối tượng tham gia Thỏa ước, trước mắt là mở rộng đến các doanh nghiệp còn lại trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sau đó là có kế hoạch tuyên truyền thu hút các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia để người lao động trong các doanh nghiệp này bình đẳng về quyền lợi và có giải pháp yêu cầu các doanh nghiệp có đủ khả năng, điều kiện tham gia nhưng chưa tham gia Thỏa ước. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nên có chính sách ưu đãi chung với các doanh nghiệp, không chỉ áp dụng riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ, chính sách thuế hiện chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng thực tế, tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp này rất thấp, hầu hết đều phải đóng cửa khi gặp khó khăn và không giải quyết được chế độ thất nghiệp cho người lao động.
Trong triển khai Thỏa ước, cần nâng cao, phát huy hơn nữa vai trò của Công đoàn vì thời gian qua vai trò của Công đoàn còn yếu. Công đoàn phải sát doanh nghiệp, xuống tận doanh nghiệp để nắm bắt, chia sẻ khó khăn, áp lực của doanh nghiệp. Đồng thời tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình tốt như các doanh nghiệp xây dựng được cả nhà trẻ, trường học, y tế; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động…