Kiên trì, nỗ lực vượt khó khăn, thử thách
Tròn 2 năm dịch bệnh kéo dài, trong hoàn cảnh kinh doanh đầy biến động, Công ty Cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) tiếp tục nỗ lực vượt bậc với sức mạnh đoàn kết, sự kiên trì và quyết tâm cao độ, vượt qua năm 2021 đầy khó khăn, thử thách.
Tận dụng tốt thời cơ để bứt phá thành công
Trước bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều địa phương, năm qua, PVCFC liên tục triển khai các chương trình hỗ trợ phân bón, khuyến mãi như chương trình "Phân bón Cà Mau - Cùng nhau san sẻ” dành 18 tỷ đồng hỗ trợ nông dân; chương trình "Hỗ trợ nhà nông - Đồng lòng vượt khó” với tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng, "Tôi chọn NPK Cà Mau" với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng, "Đông Xuân phát tài - Lộc vàng gõ cửa" có tổng giá trị 3 tỷ đồng... Đây đều là những chương trình thiết thực, giúp nông dân vơi bớt khó khăn để tái đầu tư, sản xuất sau dịch bệnh, yên tâm canh tác và ổn định cuộc sống.
Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Văn Tiến Thanh, trong năm 2021, PVCFC gặp nhiều khó khăn, thách thức như giá xăng dầu tăng làm giá khí tăng, ảnh hưởng đến chi phí giá thành; dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, thiết bị phát sinh chi phí… Bên cạnh đó, PVCFC cũng có những thuận lợi như giá phân bón tăng cao; cầu phân bón lớn hơn cung do dịch bệnh khiến một số nhà máy phải ngừng hoạt động, các nước hạn chế xuất khẩu; thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, PVCFC đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để ứng phó, vượt qua khó khăn, đồng thời tận dụng tốt thuận lợi để bứt phá thành công. Kết quả, trong năm 2021, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành với công suất đạt 110%; lần đầu tiên PVCFC bảo đảm hoàn thành kỳ bảo dưỡng định kỳ đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ mà không cần huy động bất kỳ một chuyên gia nước ngoài nào; sản lượng sản xuất ước đạt 898,56 nghìn tấn ure quy đổi, đạt 103% so với kế hoạch năm (kế hoạch điều chỉnh); sản lượng tiêu thụ ước đạt 1.017,91 nghìn tấn, đạt 99% kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt 10.011 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.936,15, đạt 210% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.823 tỷ đồng do giá bán tăng và thực hiện tiết kiệm tiết giảm chi phí. Đây là doanh thu, lợi nhuận cao nhất mà PVCFC đạt được trong 10 năm hoạt động vừa qua.
Ngoài ra, năm 2021 cũng là năm đầu tiên Phân bón Cà Mau được Forbes xếp vào danh sách 50 công ty đứng đầu, có tiềm năng phát triển tại Việt Nam; lần đầu tiên cổ phiếu cán mốc 41.200 đồng, vốn hóa đạt 1 tỷ USD. Việc lần đầu tiên PVCFC sản xuất và ra mắt sản phẩm phân bón hữu cơ mang tên thương hiệu “OM Cà Mau”… là lời giải toàn diện cho bài toán tiết kiệm chi phí song song gia tăng giá trị nông sản, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững theo hướng hữu cơ vi sinh của ngành nông nghiệp hiện nay.
Tiếp tục nâng cấp hệ thống quản trị
Bước sang năm 2022, dựa trên những dự báo về thách thức, cơ hội, PVCFC đưa ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022 với sản lượng sản xuất 860,10 nghìn tấn urê quy đổi, 80 nghìn tấn NPK; tổng doanh thu 9.017 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 542 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 512 tỷ đồng.

Cùng với đó, những nhiệm vụ trọng tâm được PVCFC xác định trong năm 2022 như vận hành nhà máy hiệu quả, an toàn, ổn định, tối đa công suất; công tác tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sản suất Ure và NPK; đa dạng hóa nguyên liệu cho sản xuất Ure, NPK; tăng cường nhận biết NPK Cà Mau tại thị trường mục tiêu; kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống ERP…
PVCFC cũng chọn chủ đề cho năm 2022 là “Thích ứng linh hoạt - Đổi mới sáng tạo”. Trong đó, Công ty sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống quản trị, cả về “phần cứng” lẫn “phần mềm” theo thông lệ quốc tế tốt nhất, tạo khả năng dự báo nhanh nhạy, chính xác cùng khả năng kiểm soát và ra quyết định phù hợp, kịp thời, bảo đảm tính thích ứng cao; lấy hoạt động đổi mới - sáng tạo trong nghiên cứu, cải tiến khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình kinh doanh làm trọng tâm. Đồng thời, định hướng mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và tự doanh; chuyển bước “Phát triển văn hóa doanh nghiệp”, mở rộng tạo hệ sinh thái cộng đồng phát triển tại địa phương…
Về kế hoạch năm 2022 của Phân bón Cà Mau, Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến chỉ đạo, lưu ý một số vấn đề như tiếp tục bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; vận hành Nhà máy sản xuất an toàn, ổn định, công suất cao, đồng thời tối ưu hóa chi phí, tiết giảm nhiên liệu; tiếp tục thực hiện tối ưu hóa sản phẩm và dịch vụ; đổi mới mô hình kinh doanh gắn với chuyển đổi số; làm tốt công tác marketing và truyền thông, công tác dự báo thị trường; hoàn thiện công tác quản trị, tái cấu trúc; thực hiện tốt công tác phát triển văn hóa doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục thực hiện chăm lo tốt đời sống người lao động.
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên lưu ý, PVCFC cần đẩy nhanh quyết toán dự án NPK; đẩy mạnh sản phẩm NPK ra thị trường và vấn đề đa dạng hóa sản phẩm trong chuỗi sản phẩm Phân bón Cà Mau…Tập đoàn sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để PVCFC phát triển bền vững, từ đó tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thành công chung của Tập đoàn.