Khoản 4, điều 3 Luật cạnh tranh ghi rõ: Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của DN trong quá trình kinh doanh trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của DN khác hoặc người tiêu dùng. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường diễn ra: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; xâm phạm bí mật kinh doanh; ép buộc trong kinh doanh; gièm pha DN khác; gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác... |
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam đang diễn ra tương đối phổ biến. Trong đó, tập trung vào hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; gièm pha DN khác (tin đồn); bán hàng đa cấp bất chính...Hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn hiện nay chủ yếu là làm giả, làm nhái sản phẩm của DN có uy tín. Chẳng hạn, hàng chục DN kinh doanh gas trên cả nước bị chiếm dụng vỏ bình, nhái logo, gắn nhãn hiệu. Trường hợp này diễn ra trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để...Còn hành vi gièm pha DN khác cũng diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp DN điêu đứng vì bị vu khống, tung tin thất thiệt. Điển hình là vụ Công ty phân bón vi sinh K Humater bị vu khống, bị tung tin không chính xác, chỉ một tháng lỗ hàng tỷ bạc. Hay năm 2003, tại TP Hồ Chí Minh, khi xuất hiện tin đồn Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) bỏ trốn sau khi thụt két khoản tiền lớn, hàng loạt khách hàng đã kéo nhau đến để rút vốn cho vay. Chỉ trong 1 ngày, ngân hàng này đã bị rút tới trên 600 tỷ đồng. Hay thông tin về bồn INOX Toàn Mỹ có chứa chất gây ung thư... Ngoài ra còn một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác như mới đây, tranh thủ lúc 17 DN sản xuất nước tương nằm trong danh sách đen vì có chứa chất MCPD-3 gây ung thư, một DN đã photo các bài báo có đăng những thông tin đó gửi cho các đại lý của mình phát tán...Đây là hành vi gièm pha rất nguy hiểm cần có hình thức xử lý. Luật cạnh tranh nên quy định điều chỉnh và xử lý trách nhiệm của cơ quan trung gian phát tán những tin đồn gièm pha DN.
Như vậy, nhiều vụ việc chúng ta đã phát hiện nhưng lại không xử lý được, phải chăng các chế tài về cạnh tranh không lành mạnh chưa đủ mạnh? Cái khó của cơ quan thực thi chống hành vi này là gì?
Trong vụ K Humater kể trên, VATAP đã cùng K Humater làm việc với cơ quan chức năng đề nghị có ý kiến xử lý vụ này. Tuy nhiên, Điều 43 Luật Cạnh tranh quy định: “Cấm DN gièm pha DN khác” nên chúng tôi hiểu là để có thể áp dụng được Điều 43, phải xác định được DN nào đưa ra thông tin không trung thực. Mà điều đó rất khó đối với DN là nạn nhân nên đành chịu! Có nhiều điểm khiến hiệp hội rất phân vân khi áp dụng Luật Cạnh tranh để xử lý bởi nhiều khi, hành vi này cũng được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ (Điều 130). Tôi có cảm giác Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ có nhiều điểm lại còn rõ ràng hơn Điều 39 Luật Cạnh tranh. Vì thế, trong nhiều trường hợp chúng tôi không biết áp dụng luật nào? Một số điểm trong Điều 40 Luật Cạnh tranh cũng chưa rõ, hoặc có thể chúng tôi chưa biết. Không biết đã có văn bản hướng dẫn về những vấn đề đó chưa? Đơn cử như giải thích thế nào là “khẩu hiệu kinh doanh”; “biểu tượng kinh doanh”, nhất là cụm từ “những yếu tố khác theo quy định của Chính phủ”. Theo tôi được biết, chưa có văn bản nào quy định về “những yếu tố khác” này. Ngoài ra, khái niệm “Chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” là tiêu chí chính để giúp xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh này (khoản 4, Điều 3 Luật Cạnh tranh) cũng là khái niệm trừu tượng.
Thế nào là chuẩn mực thông thường? đạo đức kinh doanh?
Trong Luật cạnh tranh không nói rõ cái gì được coi là “chỉ dẫn” hoặc trong khoản 2, Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ lại khái niệm rõ hơn là những “dấu hiệu”, “thông tin”. Nên chăng đối với hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn này trong Luật Cạnh tranh cần phải được giải thích rõ hơn để tạo thuận lợi cho thực thi.
Còn về các chế tài xử lý thì sao, thưa ông?
Tôi thấy, có nhiều điểm còn nhẹ, chưa đủ mức răn đe. Chẳng hạn, việc xử lý những sản phẩm chỉ dẫn gây nhầm lẫn thì chỉ áp dụng hình thức phạt tiền; có thể tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; buộc phải cải chính công khai. Theo tôi, phải có cả hình thức buộc thu hồi các sản phẩm có chỉ dẫn gây nhầm lẫn nữa mới có thể xử lý triệt để các vi phạm.
Theo ông, để việc cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh cần có những sửa đổi gì?
Tôi mạnh dạn đánh giá công tác chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh và thực thi Luật cạnh tranh về vấn đề này chưa thực thi thật sự hiệu quả, còn tồn tại một số nguyên nhân sau đây:
Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực này chưa rộng khắp trong xã hội nhất là giới DN nên nhận thức, ý thức xã hội về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Bản thân hiệp hội chúng tôi cũng có lĩnh vực gắn với quy định của Pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng thực tế cũng chưa được tiếp cận nhiều với pháp luật về cạnh tranh. Có thể nói là một số nội dung cũng chưa được hiểu thật tường tận.
Tính chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường diễn ra giữa DN và DN, Vì vậy, với Cục Quản lý cạnh tranh cơ cấu như hiện nay e rằng sẽ khó khăn trong việc tiếp cận với thực trạng cũng như điều tra xử lý. Thực tế, khi có dấu hiệu về hành vi nhái, quảng cáo không lành mạnh... thì có lẽ ở địa phương cũng không phản ánh lên Cục Quản lý cạnh tranh được. Hoặc có thể đề nghị cơ quan khác có ý kiến giải quyết như Quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành (về khoa học công nghệ, y tế, văn hóa thông tin, hay thậm chí cả tòa án. Theo tôi, ngoài việc khắc phục những điểm hạn chế trên, nên có một Nghị định quy định cụ thể hơn tổ chức bộ máy của Cục Quản lý cạnh tranh tại địa phương.
Minh Hà thực hiện