Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Tiềm năng xây dựng và phát triển Hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) tổ chức, chiều 30.7.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của các công nghệ cao, ngành công nghiệp bán dẫn trở thành một yếu tố then chốt, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến viễn thông. Việt Nam với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và lực lượng lao động chất lượng cao, đang đứng trước cơ hội vàng để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Khoa Vật liệu điện tử và linh kiện (Trường Vật liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội) TS. Nguyễn Văn Quy cho rằng, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển công nghệ hiện đại. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng trong thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D), đóng gói và thử nghiệm và có sức sáng tạo lớn.
Đánh giá về những điểm mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam trong phát triển công nghiệp bán dẫn, TS. Nguyễn Văn Quy nhận định, nguồn nhân lực Việt Nam đã được đào tạo và nghiên cứu trong nhiều khâu như: thiết kế, sản xuất và phát triển ứng dụng. Nhiều nhà nghiên cứu, kỹ sư, lao động đã phát triển trong lĩnh vực Analog IC, IC Verification, GaN, HEMT (bóng bán dẫn có độ linh động điện tử cao), MEMS/NEMS Sensor. Chất lượng sinh viên đầu vào tốt cùng với đội ngũ cựu sinh viên đông đảo, có vị trí trong các doanh nghiệp vi mạch...
Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã có tiếp cận với các khâu trong công nghiệp bán dẫn và đủ khả năng để tham gia vào các chuỗi sản xuất công nghệ bán dẫn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của Việt Nam được đào tạo đại học ở các công đoạn công nghiệp bán dẫn, vì vậy, chúng ta có thể lựa chọn các công đoạn chuyên sâu để đào tạo sau đại học.
Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy sự phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam vẫn cần có các chính sách hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước đi sâu vào nghiên cứu, sản xuất công nghệ bán dẫn.
Đồng tình với quan điểm này, Phụ trách NIC cơ sở Hà Nội Nguyễn Thị Lệ Quyên cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Intel, SamSung, Amkor… với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước. Trong đó, nhiều tập đoàn, công ty công nghệ của Việt Nam như: Viettel, VNPT, FPT, CMC đang chuẩn bị và tiến dần vào thị trường bán dẫn.
“Thị trường bán dẫn toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh, dự tính trở thành nền công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho công nghệ bán dẫn phát triển ở Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên nhấn mạnh.
Để tận dụng cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn. Tăng cường tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển và lan tỏa. Ngoài ra, cũng cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn…
Hội thảo Tiềm năng xây dựng và phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam được tổ chức với mục tiêu, nâng cao nhận thức và cùng kiến tạo giá trị các thành tố của hệ sinh thái bán dẫn trong khu vực và toàn quốc; kết nối đa phương tạo cầu nối vững chắc giữa khu vực công - tư cùng chia sẻ và hành động vì hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam.