Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, TS. Lê Xuân Rao cho biết, công tác thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn TP. Hà Nội luôn là vấn đề cấp bách, không chỉ nhà quản lý, các tổ chức doanh nghiệp mà còn được người dân Thủ đô hết sức quan tâm. Nước thải nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của con người, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, gây nhiễm độc nguồn nước ngầm và rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai.
Hiện, trên địa bàn thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành 6 nhà máy xử lý nước thải, tập trung chủ yếu tại lưu vực Tô Lịch. Tổng công suất của 6 nhà máy này chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Phần lớn trạm xử lý nước thải đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc thu gom, sau đó xử lý tập trung.
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi về thực trạng xử lý nước thải, công nghệ xử lý nước thải trên địa bàn Thủ đô, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục xử lý nước thải khu vực đô thị hiện nay.
Để cải thiện chất lượng nước trên địa bàn TP. Hà Nội, GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam đề xuất: rà soát và điều chỉnh quy hoạch 725, trong đó có việc đưa một phần nước thải lưu vực S3 về nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây và đưa nội dung thu gom, xử lý nước thải phân tán đảm bảo quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông. Bên cạnh đó, thực hiện dự án bổ cập nước sạch cho sông Tô Lịch cũng như các sông hồ khác của Hà Nội từ nguồn nước sông Hồng và nước thải sau xử lý; Nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông hồ nội đô khác có kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí và các công trình văn hóa, tâm linh... trên mặt nước. Xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông hồ nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập và kiểm soát hoạt động các nhà máy và công trình xử lý nước thải xả vào sông...