Phát triển khoa học và công nghệ:

Thúc đẩy sáng kiến trong giới trẻ

- Chủ Nhật, 31/07/2022, 16:26 - Chia sẻ

Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh chiến lược về công nghệ. Do vậy, các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề của kinh tế - xã hội trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của Việt Nam, mà đại diện thế hệ trẻ.

Lực lượng nghiên cứu trẻ còn hạn chế

Chia sẻ tại Tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo khoa học trong giới trẻ”, Giám đốc điều hành trung tâm BK.AI, giảng viên Trường CNTT và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội TS. Nguyễn Phi Lê cho biết, so với 10-20 năm trước đây, các sinh viên gần như không có khái niệm về phòng nghiên cứu thì hiện tại, sự quan tâm tới nghiên cứu khoa học đã cụ thể hơn, nhiều sinh viên năm nhất, năm hai đã xin gia nhập nghiên cứu. Cùng với đó, môi trường nghiên cứu ngày càng tốt hơn, các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản và có năng lực.

Thúc đẩy sáng kiến trong giới trẻ -0
Các sáng kiến của người trẻ cần được quan tâm, hỗ trợ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Ảnh: ITN

Theo quan điểm của Trưởng ban R&D, FECON Corp, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật TS. Nguyễn Tiến Dũng, bên cạnh việc đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu khoa học tăng trưởng mạnh, vấn đề công nghệ thông tin phát triển mạnh cũng giúp các kỹ sư, nhà khoa học trẻ có điều kiện nghiên cứu, giao lưu với thế giới. Đồng thời, hiện nay các bạn trẻ có thể dễ dàng tìm kiếm tài liệu trong kho tài liệu số trên thế giới và tiếp cận với khoa học thực tế sớm hơn.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Phi Lê, còn nhiều khó khăn đối với những nhà nghiên cứu trẻ. Cụ thể như lực lượng nghiên cứu trẻ vẫn “mỏng”, so với các nước phát triển vẫn còn rất ít. Bên cạnh đó, những hạn chế trong cơ sở hạ tầng như thiết bị, máy móc. Không phải đơn vị nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư những trang thiết bị hiện đại đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu nghiên cứu. Việc này làm chậm thời gian nghiên cứu và thậm chí nhiều nghiên cứu còn không thể thực hiện được.

Đồng quan điểm, Giảng viên nghiên cứu Đại học FPT PGS. TS. Phạm Hùng Quý chia sẻ, cách đây 5-7 năm, FPT chưa có nghiên cứu, chủ yếu là giảng dạy. Gần đây, FPT mới bắt đầu tập trung vào nghiên cứu, thu hút nhiều tiến sỹ trẻ về công tác. Dù vậy, khó khăn lớn vì lực lượng còn yếu, đòi hỏi thời gian 3-5 năm mới vững vàng và có nhiều đóng góp hơn cho xã hội.

Cùng với đó, Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, TS. Trương Thanh Tùng cho rằng, các nhà khoa học trẻ vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận đề tài do Việt Nam hiện nay chưa có quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia dành riêng cho thế hệ nghiên cứu trẻ ở giai đoạn đầu của sự nghiệp.

“Tại các quốc gia phát triển, đội ngũ trẻ sẽ được tiếp cận những nguồn quỹ riêng của quốc gia. Các quỹ này giống như sự đầu tư ban đầu cho các nhà khoa học trẻ có thể "startup" hướng nghiên cứu mới của riêng mình. Thực tế cho thấy, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới có chất lượng cao, có tính ứng dụng cao, có đột phá lớn với hướng đi mới là bắt nguồn từ các đầu tư ban đầu này”, TS. Trương Thanh Tùng nhấn mạnh.

Kết nối doanh nghiệp với viện, trường

Nhìn nhận về cơ hội của các nhà khoa học trẻ, chủ nhân giải thưởng Quả cầu vàng 2014, kỹ sư Phan Huỳnh Lâm cho rằng, sau Covid-19, Việt Nam đón nhận rất nhiều công ty công nghệ cao vào đầu tư, đây là lực đẩy tốt cho công nghệ nước nhà, thúc đẩy các nhân tài trẻ cống hiến và tiếp cận tinh hoa của các tập đoàn lớn. Vì vậy, các sáng kiến của người trẻ cần được quan tâm, hỗ trợ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Chia sẻ về về sự hỗ trợ của Huawei cho các bạn trẻ sáng tạo, Giám đốc Đối ngoại Huawei Việt Nam Đặng Kim Long cho biết, Huawei hiện có 14 trung tâm R&D trên toàn cầu. Huawei mong muốn Việt Nam sẽ phát huy thế mạnh ICT để nhìn thấy tiềm năng và đặt trung tâm tại Việt Nam. Giai đoạn trước mắt, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực ICT đồng thời tạo sân chơi cho các bạn trẻ có điều kiện phát triển; trang bị đào tạo kỹ năng, kiến thức cho họ. Bên cạnh đó, bản thân các trường cần tạo sân chơi cho sinh viên trường mình tham gia hơn nữa, đưa sinh viên "nhúng mình" vào doanh nghiệp. Trong khoa học công nghệ việc tạo ra mạng lưới kết nối và hợp tác là vô cùng quan trọng. "Tận dụng hợp tác chia sẻ là cách thức tạo lồng ấp cho doanh nghiệp và nhà khoa học trẻ hiện nay", ông Đặng Kim Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ, hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội rất tích cực kết nối với học sinh cũ đã học nước ngoài, tìm cách thu hút người tài về làm cán bộ giảng. Bên cạnh đó, trường cũng tạo điều kiện cho các sinh viên nghiên cứu, có nhiều chương trình, đề tài cho giảng viên trẻ, tạo sự cạnh tranh, thay đổi môi trường học. Trường cũng kết nối các tập đoàn nước ngoài, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu. "Sinh viên đại học mới là những người làm nghiên cứu khoa học tốt nhất bởi đa phần những ai học thạc sỹ, tiến sỹ giỏi đều ra nước ngoài học", Thứ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phát triển mô hình viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) với đội ngũ phần lớn là các nhà khoa học trẻ, với huy vọng đây sẽ là mô hình điểm để phát triển các viện nghiên cứu trên toàn quốc.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo kiến nghị, Nhà nước thống nhất xây dựng chính sách, cơ chế hợp tác giữa cơ sở khoa học của Nhà nước với doanh nghiệp để làm căn cứ cho sự kết nối, chuyển giao khoa học công nghệ có hiệu quả hơn. "Người thành công luôn có lỗi đi riêng, các bạn trẻ không nên chùn bước, không viển vông, không ngừng học tập", ông Trần Mạnh Báo nói.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ - TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Với mục tiêu, đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưng, góp phần quyết định đưa Việt Nam tr thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.

Xuân Tùng
#