Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đem lại hiệu quả và hiệu lực rõ nét đối với hoạt động tiêu chuẩn hóa, công tác kế hoạch, xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã thực sự đi vào nề nếp, chặt chẽ hơn; việc phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan đã rõ ràng và minh bạch hơn, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đổi mới một cách toàn diện hoạt động tiêu chuẩn hóa trong giai đoạn mới như: Xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là nền tảng mang tính chủ đạo, định hướng phát triển lĩnh vực tiêu chuẩn, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng, thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, đặc biệt từ phía doanh nghiệp; quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp hiệu quả, phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và thông lệ quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Văn Khôi cho biết, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi được xây dựng dựa trên các quan điểm:
Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai, xây dựng khung pháp lý nhằm triển khai hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Thứ ba, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp.
Thứ tư, nội luật hóa quy định tại các cam kết quốc tế trong FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 06/2016 của Trung ương về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Động lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Tính đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố hơn 13.500 tiêu chuẩn Việt Nam, đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN; trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 62%. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành trên 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 50 quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng về thương mại tự do theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), việc tham gia các FTA, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng phải đáp ứng nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.
Thời gian tới, với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống tiêu chuẩn thế giới, để bảo đảm vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tại thị trường trong nước và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu khách quan đối với hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam phải đổi mới, phát triển theo xu thế chung thế giới. Việc sửa luật phải đáp ứng hai yêu cầu, vừa tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp dùng công cụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng để phát huy năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng cạnh tranh quốc gia.