Nhiều HTX tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ
Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 21/273 HTX nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao và dần thực hiện chuyển đổi số bắt kịp công nghệ 4.0. Trong đó, có 8 HTX ứng dụng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, áp dụng quy trình canh tác hữu cơ; 10 HTX đưa vào sử dụng dây chuyền công nghệ tự động để chế biến sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu, mã vạch sản phẩm; 2 HTX đầu tư máy sấy, kho lạnh; 1 HTX ứng dụng công nghệ chuồng lạnh khép kín, máng ăn uống tự động trong chăn nuôi.
Theo Kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Quảng Bình phấn đấu có khoảng 15% HTX có ứng dụng công nghệ cao; 30% HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; bình quân mỗi năm hỗ trợ 10-15 HTX đầu tư ứng dụng công nghệ mới, xây dựng 2 mô hình HTX chuyển đổi số...
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Đình Thuyến cho biết, đối với HTX, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ và cơ sở dữ liệu để làm thay đổi phương thức kinh doanh, nhằm giảm chi phí, tiếp cận tối đa khách hàng, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy còn khá mới mẻ nhưng nhiều HTX đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản trị dữ liệu, trao đổi thông tin, quản lý hoạt động đầu vào, đầu ra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động thanh toán.
Xác định chuyển đổi số sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng website, cung cấp dữ liệu, danh sách HTX trên địa bàn; đồng thời mở rộng tập huấn, tuyên truyền cho các HTX về CĐS, giới thiệu, bán hàng…
Công đoạn thủ công được thay thế bằng phần mềm hiện đại
Là cơ sở đi đầu trong sản xuất, nuôi trồng khép kín từ khâu đầu vào đến thành phẩm và chế biến thành hàng hóa cung cấp ra thị trường, HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (huyện Bố Trạch) luôn xác định ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước chuyển đổi số sẽ là động lực để HTX tiến xa trên thị trường.
Giám đốc HTX Nguyễn Quốc Hương cho biết, để bảo đảm sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch quy trình VietGAP, HTX đã ứng dụng công nghệ máy móc, nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến và thực hiện phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu với 32 tổ hợp tác/425 hộ dân chuyên trồng và thu hoạch nấm.
Bình quân mỗi năm, HTX tiêu thụ 3.000 tấn nấm. Hiện với 14 sản phẩm được chế biến từ nấm (nấm linh chi quả thể, nấm linh chi bột, trà cà gai leo linh chi, nấm sò tươi, nấm hoàng đế, nước mắm chay từ nấm…), nhiều sản phẩm của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và có mặt tại chuỗi hệ thống siêu thị Co.opmart tại Huế, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Co.opfood Hà Tĩnh, Emart… với 35 điểm bán hàng và đại lý trên toàn quốc.
Để quản lý toàn bộ quy trình sản xuất, số lượng thành phẩm, theo dõi doanh thu và tiến độ phân phối các đơn hàng, HTX đã ứng dụng linh hoạt App KiotViet, phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm, quản trị sản xuất erp ROSY… Các công đoạn quản lý thủ công trước đây nay đã được thay thế bằng các phần mềm hiện đại, hiệu quả. Chỉ một vài cái click chuột trên máy tính hoặc ứng dụng (app) cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone), tất cả các thông tin về quá trình sản xuất, lượng hàng tiêu thụ, hạn sử dụng, tiến độ phân phối trên thị trường… đều được hiển thị cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hương thông tin.
Anh Lê Thanh Triển, Giám đốc HTX Sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy (thị xã Ba Đồn) chia sẻ, nhằm đa dạng kênh phân phối, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, bên cạnh các kênh truyền thống, HTX đã mở rộng kinh doanh trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử.
Hiện 30 mã sản phẩm của HTX từ dòng cao cấp đến bình dân, như đũa gỗ mỹ nghệ được làm từ chất liệu sừng, xương, ngọc trai, ốc xà cừ, ống tăm, gáo múc rượu, giỏ trồng lan... đều đã được đẩy lên các sàn thương mại điện tử (Postmart, Shopee, Lazada, Voso, Smartgap, Quangbinhtrade).
Các nền tảng số, sàn thương mại điện tử đã giúp HTX nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với đầy đủ thông tin minh bạch và giúp người mua thuận lợi hơn trong tìm kiếm, tiếp cận sản phẩm. Trước đây, thông qua kênh phân phối truyền thống, sản phẩm của HTX tiếp cận được 40 tỉnh, thành. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của các ứng dụng nền tảng số, hiện sản phẩm của HTX đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước và vươn ra thị trường các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... với doanh thu hàng năm đạt 5-6 tỷ đồng.