Nhiều ưu đãi, nhưng chưa tận dụng tốt thời cơ
Thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tạo ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.
Theo Quyết định, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó, bao gồm các hoạt động: Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến thị trường nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất…
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, dù đã có những thành tựu nhất định, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta còn manh mún, nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của các doanh nghiệp quốc tế. Hiện nay, chúng ta mới chỉ gia công sản phẩm ở các công đoạn có chất lượng, giá thành thấp, ít hàm lượng công nghệ cao…
Do đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa thực sự góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung cũng như nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Tỷ trọng hàng công nghiệp xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu có giá trị cao tương đối ít.
Thực tế, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất khẩu hàng hóa mang về 88,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kim ngạch của nhóm doanh nghiệp FDI cũng chiếm tới 71% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 28 mặt hàng. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao vẫn là các nhóm hàng điện tử với tổng 45 tỷ USD cho 3 mặt hàng điện tử lớn nhất. Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trên 20,9 tỷ USD (tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2023); đứng sau là điện thoại và linh kiện với trên 18 tỷ USD (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 13 tỷ USD (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Đáng chú ý, các mặt hàng điện tử trên cũng chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp FDI chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2024; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 97%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 88%.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng công nghiệp hỗ trợ phát triển không được như mong đợi là do các doanh nghiệp Việt thiếu sự kết nối với các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thiếu những doanh nghiệp nội địa “đầu tàu”, có thể thiết kế và tạo ra được các sản phẩm hoàn chỉnh thuần Việt và đủ mạnh để tạo ra cả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị có sự liên kết của các doanh nghiệp Việt.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế cho rằng, ở vị trí trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có nhiều lợi thế trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Mặc dù vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tương xứng.
Đột phá từ tư duy đến chiến lược
Thực tế hiện nay không dễ để doanh nghiệp Việt tham gia vào những chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp FDI, vì họ đã có sẵn hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng và họ đã hình thành một chuỗi sản xuất kinh doanh ổn định.
Tuy nhiên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh tin tưởng, giai đoạn hiện tại và sắp tới đây các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có đủ năng lực và lợi thế tận dụng thời cơ nhằm tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt là khi mà các nhà đầu tư lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử đầu tư vào Việt Nam. Họ sẽ có nhu cầu về các linh phụ kiện đi theo ngành công nghệ bán dẫn đó.
Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tạo ra bước đột phá với giá cả phù hợp, trong khi chúng ta có thêm các lợi thế về mặt nguyên liệu là đất hiếm, công nhân có kinh nghiệm tham gia sản xuất linh kiện bán dẫn…
“Nhưng để có thể chủ động trong việc phát triển công nghệ hỗ trợ, bên cạnh bệ đỡ là các chủ trương, chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của ngân hàng, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải tự xây dựng, phát triển công nghệ lõi, tiến tiến, độc quyền của riêng mình. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt, sáng tạo tính đến tính phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn.
Để có thể đạt được các mục tiêu đó, đòi hỏi trước tiên là các doanh nghiệp Việt phải thay đổi về mặt tư duy, nghiên cứu kỹ lưỡng các nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp lớn có hướng đi phù hợp”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, PGS. TS Hà Minh Hùng (Hiệp hội Cơ khí Việt Nam) cho rằng, Việt Nam cần xác định những doanh nghiệp, công nghệ tiềm năng để có chính sách hỗ trợ quan trọng, giúp Việt Nam sớm có các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ đầu tàu. Để các doanh nghiệp này có đủ sức liên kết, xây dựng các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững trong tương lai…
Thêm vào đó, Chính phủ cần tiếp tục chính sách, cơ chế hỗ trợ mang tính đột phá, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường kết nối với doanh nghiệp FDI. Thúc đẩy quá trình, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.