Giải phóng nguồn lực Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Nhiều vấn đề cần điều chỉnh bằng luật

- Thứ Sáu, 16/12/2022, 06:18 - Chia sẻ

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp gánh vác sứ mệnh lớn lao song đến nay kết quả đạt được rất xa so với mục tiêu và kỳ vọng. Tại tọa đàm “Giải phóng nguồn lực Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 15.12, các đại biểu cho rằng, hai thông tư liên quan đến quỹ mới ban hành đã tháo gỡ một số vướng mắc nhưng nhiều vấn đề cần giải quyết bằng luật.

“Từ tên gọi đã hiểu kỳ vọng!”

Nói về sứ mệnh của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết “từ tên gọi đã hiểu kỳ vọng”. Đó là huy động nguồn lực của xã hội để đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt là đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

10 năm trước, nguồn vốn nhà nước đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ lên tới 80% còn doanh nghiệp chỉ chiếm 20%. Hiện nay tỷ lệ này cân bằng hơn, Nhà nước 52%, xã hội 48%. Điều này cho thấy doanh nghiệp ngày càng quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ rất có ý nghĩa với chặng đường phát triển của Viettel”, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật của Tập đoàn xác nhận. Sau hơn 10 năm trích lập và sử dụng, Quỹ đã giúp Viettel tăng trưởng doanh thu và mở rộng lĩnh vực phát triển. Giai đoạn đầu, Tập đoàn trích quỹ ít nhất 3% thu nhập tính thuế hàng năm (1.000 tỷ đồng), cao nhất là gần 10% (4.000 tỷ đồng). Các đề tài nghiên cứu sử dụng Quỹ đều được xác định dựa trên mục tiêu kinh tế, tức là phải chuyển hóa thành doanh thu, lợi nhuận và làm chủ công nghệ với lộ trình cụ thể từ 3 - 5 năm, gần đây là 5 - 10 năm.

Nhiều vấn đề cần điều chỉnh bằng luật! -0
Toàn cảnh tọa đàm
Ảnh: Duy Thông

Trích lập ít, tồn Quỹ cao

“Thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Quốc hội giao, chúng tôi đã giám sát bước đầu về nội dung này”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết. Kết quả cho thấy, giai đoạn 2015 - 2021, số tiền trích lập Quỹ đạt trên 23.000 tỷ đồng và sử dụng trên 11.000 tỷ đồng, đã góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học công nghệ và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã chủ động trích lập và sử dụng hiệu quả nguồn lực này cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, số doanh nghiệp trích lập Quỹ rất ít, chỉ chiếm 0,02% tổng số doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - PV). Số tiền trích lập Quỹ cũng không nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải dành 3% - 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ để lập Quỹ. Tỷ lệ giải ngân Quỹ mới chỉ được 50,9%.

Theo ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tình trạng “trích lập ít, tồn Quỹ cao” rất đáng báo động trong bối cảnh doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ. Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp được đề cập lần đầu tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sau đó là Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017. “Gần 10 năm qua, kết quả đạt được còn rất xa so với mục tiêu và kỳ vọng”, ông Lĩnh nhận xét.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó có vấn đề nhu cầu chi, quy trình chi và rủi ro tuân thủ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 4, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết đã khảo sát và ngạc nhiên khi chỉ có 11,3% doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu sử dụng Quỹ này. Theo bà, doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư một số lĩnh vực, ví dụ SCIC chủ yếu kinh doanh vốn thì rất khó đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Vì rất nhiều doanh nghiệp nhà nước không có nhu cầu trực tiếp đầu tư cho khoa học công nghệ dẫn đến trích Quỹ mà không tiêu được, bà Khánh nói.

Chưa kể không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trích lập Quỹ, vì phải có thu nhập, có lãi mới được trích, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế bổ sung. Các doanh nghiệp thương mại không có nhiều nhu cầu chi cho khoa học công nghệ, chi ít thì họ tính vào chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, theo bà Khánh, “Quỹ rất khó chi”. Bộ Khoa học Công nghệ mới đây ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ, trong đó bổ sung các nội dung chi mới song quy trình chi vẫn tiếp cận như nhiệm vụ khoa học công nghệ. “Chủ thể chi là doanh nghiệp nhưng quy trình chi như một cơ quan nhà nước, như xét duyệt một đề tài dẫn đến rất khó chi. Quyết xong cơ hội đầu tư đã qua mất rồi”.

Thứ ba là rủi ro tuân thủ, cả trong việc trích lập Quỹ hay không và sau sử dụng. Các thông tư hiện nay quy định sau một thời gian nếu chi sai mục đích phải nộp thuế tương ứng với thuế thu nhập doanh nghiệp và lãi phạt. Giả sử biết chi đúng/sai ngay thì không sao, nhưng giả sử 3 năm sau cơ quan thuế vào nói chi như vậy không đúng, vì thế nào là khởi nghiệp sáng tạo rất định tính, nên doanh nghiệp rất lo. “Bị phạt thuế thì doanh nghiệp bị đánh giá về tiêu chí tuân thủ pháp luật, lập tức xuống hạng B vậy là doanh nghiệp ngại chi thôi”, bà Khánh nói.

Nhiều vấn đề căn cốt phải chờ sửa luật

Nhằm khơi thông nguồn lực Quỹ để doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ.

Thực hiện nhiệm vụ này, tháng 5.2022, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ; tháng 11.2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67/2022/TT-BTC hướng dẫn nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ.

“Hai thông tư mới giải quyết được rất nhiều vấn đề nhưng không giải quyết được hết các tồn tại”, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ nói. Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ các văn bản và dấn thân làm. Về dài hạn, cần sửa Luật Khoa học công nghệ để tháo gỡ các vấn đề căn cốt.

Một trong số đó là cho phép dùng Quỹ để mua sắm một số máy móc đặc biệt phục vụ trực tiếp sản xuất, kinh doanh đặc thù nhưng không phải qua đấu thầu mà dùng một cơ chế mua sắm khác hay không? Cả ông Hải; ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Cục Tài chính doanh nghiệp đều rất “đồng cảm” với đề xuất này của Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel. Các đại biểu phân tích, Thông tư 05 cho phép mua “bí kíp công nghệ”, đã là “bí kíp” thì lấy đâu ra các báo giá, như vậy làm sao đấu thầu? Do vậy, cần mạnh dạn “mở” cho một vài doanh nghiệp được phép thí điểm, bỏ qua một số quy định về đấu thầu, định giá và giao toàn bộ quyền chủ động cho doanh nghiệp khi sử dụng Quỹ.

Ngoài ra, ông Lê Bộ Lĩnh cho rằng, cần phân loại các doanh nghiệp đã trích lập Quỹ theo từng loại hình để nhìn nhận bức tranh về Quỹ một cách toàn diện, xác thực hơn, từ đó mới tìm trúng giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khơi thông nguồn lực quý báu này.

Hà Lan