Thể thao điện tử

Ngành công nghiệp tiềm năng

- Chủ Nhật, 08/05/2022, 20:33 - Chia sẻ

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ của Internet mở ra sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực số, trong đó có thể thao điện tử đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ để có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

“Mảnh đất màu mỡ” chờ khai phá

Thể thao điện tử đã du nhập và phát triển tại Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây. Nếu như những ngày đầu tiên đây chỉ có thể coi là phong trào tự phát và mang tính cộng đồng tự hoạt động thì đến nay thể thao điện tử Việt Nam đã bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hóa và thương mại hóa.

Theo số liệu thống kê từ Sách trắng do Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam phát hành, năm 2020, thị trường game tại Việt Nam ước tính đạt 40 triệu người chơi, trong đó 18 triệu người đã từng chơi các bộ môn thể thao điện tử. Trong đó, 52,5% là những người chơi các trò chơi eSports hàng ngày với thời gian trung bình chơi là 2 giờ 55 phút. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang có thị trường rất lớn trong việc phát triển bộ môn thể thao trực tuyến với xu hướng người dùng ngày càng tăng cao.

Ngành công nghiệp tiềm năng -0
Cộng đồng người chơi và theo dõi eSports ngày một đông đảo. 

Cũng theo Sách trắng do Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam phát hành, 55,5% người chơi từng chi tiêu cho các bộ môn thể thao điện tử. Cùng với đó là sự phát triển và tốc độ phủ sóng nhanh chóng của các trò chơi trên thiết bị di động nhờ việc smartphone ngày càng có mức giá dễ tiếp cận với tất cả mọi người, điều này cho thấy tiềm năng “bùng nổ” doanh thu từ thể thao điện tử là rất lớn trong tương lai.

Theo đánh giá của Newzoo (trang thống kê dữ liệu về Games và eSports lớn trên thế giới), trước năm 2020, thị trường eSports thế giới phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng hàng năm đạt từ 10 - 15% và thậm chí doanh thu toàn thị trường đã vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2019. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng thể thao điện tử toàn cầu vẫn chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng về quy mô với doanh thu dự báo năm 2021 vào khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó, khu vực Đông Nam Á vẫn là khu vực "nóng" với tốc độ tăng trưởng về lượng khán giả lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới (khoảng 20,8% hàng năm).

Các nền tảng phát sóng trong nước ghi nhận sự tăng trưởng đột biến đối với các nội dung thể thao điện tử. Điển hình, số lượt xem trên Facebook Gaming tăng 81,37% trong giai đoạn đại dịch Covid-19, lượt tương tác và độ phủ cũng tăng lần lượt 50% và 79,6%. Cùng với đó, lượt xem trên YouTube Việt Nam của một số giải đấu lớn như AWC 2020 đã đạt 109 triệu lượt, cao gấp hai lần so với năm 2019.

Theo báo cáo của Cục Phát Thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), doanh thu của ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại Việt Nam năm 2020 cán mốc 12.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015. Các doanh nghiệp trong ngành cũng nộp ngân sách gấp 2,5 lần so với thời điểm đó.

Có thể thấy, tiềm năng thương mại hóa của thể thao điện tử tại Việt Nam là rất lớn và đây cũng có thể được coi là mô hình kinh tế tiềm năng giúp đẩy nhanh việc phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Gỡ những điểm nghẽn cho ngành bứt phá

Nhìn lại kỳ SEA Games 30 năm 2019, thể thao điện tử lần đầu tiên được đưa vào danh sách thi đấu tại đại hội thể thao lớn nhất của Đông Nam Á, đoàn Việt Nam khi đó xếp thứ 6 chung cuộc với 3 huy chương đồng dù phải thi đấu những bộ môn không đúng thế mạnh.

Với sự ủng hộ của Liên đoàn thể thao các nước Đông Nam Á và sự nhìn nhận đúng đắn của các cấp ban ngành, thể thao điện tử đã trở thành 1 trong 4 bộ môn được bổ sung vào danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 31. Đây sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam đổi màu huy chương.

Ngành công nghiệp tiềm năng -0
Những tựa trò chơi điện tử thi đấu và tranh tài tại SEA Games 31

Theo Tổng thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng, sự kiện Ban tổ chức SEA Games 31 chính thức công bố thể thao điện tử trở thành một trong 40 môn thể thao tranh huy chương là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự công nhận của toàn xã hội đối với thể thao điện tử bình đẳng với các môn thể thao truyền thống. Thể thao điện tử qua đó sẽ xuất hiện với mật độ dày hơn, nhận được sự quan tâm và ghi nhận lớn hơn từ cộng đồng. Đồng thời sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để thể thao điện tử Việt Nam tiếp cận với nguồn lực từ các nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài, tạo động lực đáng kể để nâng cao chất lượng chuyên môn của các vận động viên, câu lạc bộ và đội tuyển thể thao điện tử tại Việt Nam.

Mặc dù, thể thao điện tử đang ngày càng được quan tâm và hệ thống chính sách, các quy định pháp lý cho thị trường thể thao điện tử Việt Nam đã được định hình và tạo điều kiện cho ngành phát triển. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đối mặt với những khó khăn và trông đợi những thay đổi về môi trường pháp lý theo hướng tiệm cận khu vực và thế giới nhiều hơn mà vẫn phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bốn vấn đề pháp lý chính được quan tâm gồm kiểm soát và kiểm duyệt nội dung; vấn đề cấp phép; bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ; và các hợp đồng hợp tác trong ngành.

Ngành công nghiệp tiềm năng -0
Các nội dung thi đấu thể thao điện tử sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho biết, thể thao điện tử là một ngành kinh doanh giàu tiềm năng. Để doanh nghiệp Việt nam vươn lên mạnh mẽ trong thị trường này, những điểm nghẽn pháp lý về cấp phép, kiểm soát kiểm duyệt nội dung và bảo vệ tác quyền cần được sớm được “gỡ”. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp trong ngành cần chú trọng đến an toàn và lợi ích cho người dùng nhằm mang đến cái nhìn toàn diện về thể thao điện tử. Một cú hích mạnh từ chính sách và môi trường pháp lý hứa hẹn có thể đưa thể thao số trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế số của Việt Nam.

Các nội dung thể thao điện tử sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày (từ ngày 13 đến hết ngày 22.5.2022) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đây cũng là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của Thể thao Điện tử Việt Nam, trong đó bao gồm Vòng chung kết quốc gia các bộ môn Liên Quân Mobile, FIFA Online 4 hay các giải đấu quốc tế lớn như Garena Premier League 2015 (LMHT), Garena Throne of Glory 2017 (Liên Quân) hay gần đây nhất là vòng bảng MSI 2019, giải đấu quốc tế lớn thứ hai trong năm của Liên minh huyền thoại.

Xuân Tùng