Hành trình kiên định với nông nghiệp công nghệ cao

- Thứ Tư, 20/07/2022, 06:41 - Chia sẻ

Quyết định buông bỏ lĩnh vực bất động sản để chuyển hướng sang nông nghiệp công nghệ cao, mặc cho khó khăn chồng chất, nhưng doanh nhân Đoàn Nguyên Đức vẫn kiên định một tình yêu với nông nghiệp, với cao nguyên xanh. Ông thể hiện mãnh liệt một cá tính, một bản lĩnh của vị thuyền trưởng luôn đứng mũi chịu sào chèo lái con thuyền Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trở lại bứt phá trên thị trường.

Từ vị thế số 1 trên thị trường bất động sản

Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2012, BĐS trở thành lĩnh vực chủ lực của HAGL với doanh thu luôn dẫn đầu hàng năm. Vào thời hoàng kim, các dự án BĐS của HAGL mọc lên khắp nơi. Hầu hết trong số đó là chung cư, khách sạn, khu đô thị, văn phòng cho thuê hoặc các khu phức hợp. HAGL từng được xem là “đại gia” trong giới BĐS Việt Nam với rất nhiều dự án lớn.

Chuối thải vận chuyển về khu chế biến thức ăn nuôi heo

Đỉnh cao của HAGL ở thời điểm lúc bấy giờ là việc xây dựng và phân phối các dự án lớn ở TP. Hồ Chí Minh như: Khu căn hộ New SaiGon (huyện Nhà Bè), Hoàng Anh River View (quận 2)… Với tốc độ phát triển nhanh, cuối năm 2008, nắm giữ 55% cổ phần, tương đương với 109 triệu cổ phiếu HAG, với thị giá lúc bấy giờ khoảng 6.160 tỷ đồng, đã đưa Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm đó.

Vậy mà doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đã quyết định chuyển mình, tìm kiếm cơ hội trong ngành nông nghiệp. Xác định mảng nông nghiệp là mảng chính yếu của Tập đoàn trong giai đoạn mới, từ 2012, ông đã mạnh tay rót hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư vào trồng cây cao su, chà là, mía đường, ngô, chăn nuôi bò..

Đến hành trình kiên định với nông nghiệp

Bầu Đức từng đặt câu hỏi “Ai bảo nông nghiệp không lãi nghìn tỉ”, như một lời thách thức cho chính bản thân, với tình yêu cao nguyên mãnh liệt, niềm tin khát khao đưa nông nghiệp Việt Nam ra trường quốc tế. Nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng nhưng ông không phải người thích chọn việc dễ.

Hơn 1 thập kỷ mày mò cách thức kiếm ngoại tệ từ nông nghiệp, ông chưa bao giờ nản chí và từ bỏ. Khi cao su, cọ đầu không còn hy vọng, ông chuyển sang cây ăn trái, nuôi bò Úc. Nếu thanh long, mít, ớt không thể làm công nghiệp, ông tìm ra chuối. Suốt những năm tháng đó cho đến tận bây giờ, ông chưa một lần nao núng hay có ý định quay trở lại kinh doanh bất động sản dù ông không ngần ngại nói thẳng "đất là năng khiếu của tôi". Càng khó khăn, ý chí "sinh tồn" của ông càng mãnh liệt. Càng gian khổ, khát vọng trở lại của ông càng lớn.

Với lợi thế cạnh tranh của HAGL là có được quỹ đất rộng lớn xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, khoảng cách địa lý và điều kiện vận chuyển đến cảng biển và thị trường tiêu thụ thuận lợi, cuối cùng sản phẩn chuối và thịt heo là hai loại thực phẩm cơ bản, thiết yếu với cuộc sống đã chiếm trọn cảm tình của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Với hơn 500 héc ta chuối tại Gia Lai, Tập đoàn HAGL đã xây dựng 2 nhà đóng gói quy mô lớn, hiện đại, hoạt động liên tục từ phân loại chuối, đóng gói, xếp vào thùng carton, trữ trong kho lạnh trước khi vận chuyển ra cảng xuất khẩu qua Hàn, Nhật và Trung Quốc. Đối với ngành chăn nuôi heo, đến cuối năm 2021 HAGL đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và mỗi con heo nái sinh ra khoảng 25 con heo thịt mỗi năm).

Điểm sáng và mới mẻ của HAGL là sự sáng tạo trong việc vận dụng nguồn lực bổ trợ từ ngành chuối để tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho ngành chăn nuôi heo. Chuối loại thải từ ngành trồng trọt (khoảng 200.000 tấn/năm) là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi heo. Bầu Đức đưa chuối vào sấy khô và nghiền thành bột làm thức ăn cho các trại heo. “Gần 80% giá thành heo là ở khâu thức ăn, trong khi chỉ riêng từ chuối đã chiếm 40% chi phí thức ăn đưa vào. Đó là một lợi thế rất lớn của HAGL trong cạnh tranh với các đối thủ khác trong ngành nuôi heo”, ông Đức chia sẻ. Ông cũng đưa heo cho nhiều đầu bếp tại các nhà hàng, khách sạn 5 sao để họ thử và đều được đánh giá rất cao vì thịt heo ăn chuối nhiều nạc, thịt thơm, mềm. Nhờ có chuối và tự chủ con giống, giá thành nuôi heo của HAGL hiện nay ở mức 35.000 đồng/kg heo hơi, trong khi giá bán hiện nay là 55.000 đồng/kg.

Sau hơn 10 năm tham gia lĩnh vực nông nghiệp với nhiều kế hoạch thất bại như trồng cao su, cọ dừa, nuôi bò… đến nay bầu Đức tự tin đã tìm thấy “công thức thành công của ngành nông nghiệp cho HAGL". Đó là chiến lược “một cây, một con", tập trung trồng cây chuối và nuôi con heo bởi đây là hai ngành mà HAGL có lợi thế rất lớn, lại bổ trợ cho nhau theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Năm 2022, HAGL sẽ trồng thêm 2.000ha chuối, xây thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt. Trong số đó, có 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm chuồng trại tại Campuchia, nâng tổng số cụm chuồng trại lên thành 16 với công suất hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm.

Hoàng Anh
#