Phát triển thị trường khoa học công nghệ

Để khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là phong trào

- Thứ Bảy, 30/07/2022, 11:34 - Chia sẻ

Với xu thế của làn sóng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cùng với sự ra đời của rất nhiều tổ chức, vườn ươm khởi nghiệp... cánh cổng khởi nghiệp đang trở nên rất rộng mở. Tuy nhiên, theo thống kê, trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp mới ra đời, chỉ có số ít duy trì công ty đến năm thứ hai.

Chỉ ý tưởng hay là chưa đủ

Khởi nghiệp đang là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quốc gia hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao và đa dạng của xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, đến nay số lượng startup thành công chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Theo số liệu từ việc theo dõi gần 100 dự án tham gia ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), chỉ có hơn 17,5% startup tồn tại sau 2 năm. Các dự án thành công hiện tại đều đã thay đổi mô hình kinh doanh hoặc thậm chí thay đổi hẳn ý tưởng và giải pháp ban đầu.

Nhà sáng lập Startup Nerman Nguyễn Văn Nhật cho rằng, tại Việt Nam, khởi nghiệp theo phong trào khá nhiều. Các bạn trẻ chưa có sự chuẩn bị về tài chính lẫn kinh nghiệm, chỉ là đam mê và làm những gì mình thích, cũng chưa quan tâm tìm hiểu thị trường như thế nào và sản phẩm có thực sự cần thiết hay không. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam còn khá hạn chế so với các nước tiên tiến khác, nên các bạn trẻ chưa tiếp cận được những kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp.

Bài 3: Để khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là phong trào -0
Ý tưởng khởi nghiệp quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Ảnh: ITN

Chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhận định, tỷ lệ thành công ở khởi nghiệp tuy thấp nhưng chúng ta phải biết “chấp nhận thất bại”, qua thất bại mới đến thành công. Tư duy đó cần đưa vào lớp trẻ, vào những người mới khởi nghiệp. Xã hội cũng cần hiểu rằng, những người đó tuy thất bại nhưng thực sự họ đang học tập, học tập từ thất bại của mình để rút kinh nghiệm cho những lần sau.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, rất nhiều người có ý tưởng sáng tạo và mong muốn ban đầu chỉ là biến ý tưởng đó thành hiện thực. Nhưng muốn hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng của mình thì người khởi nghiệp phải được cung cấp các kiến thức có liên quan. Nguồn kiến thức đó xuất phát từ những người đã ít nhiều thành công, từ những cá nhân hay doanh nghiệp đã đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp. Chính những người đã thành công này sẽ quay trở lại đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm với những người mới khởi nghiệp, giúp họ hạn chế thất bại và giảm bớt khó khăn ban đầu.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia Đàm Quang Thắng nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương là nòng cốt của Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia nên việc xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương chính là sử dụng nguồn lực địa phương để đầu tư xây dựng cho quốc gia.

Để hỗ trợ và kết nối với các doanh nghiệp khi khởi nghiệp tại địa phương, nhiều tỉnh/thành đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương theo giai đoạn. Như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhiều năm qua được ghi nhận triển khai tích cực và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Một số tỉnh, thành phố còn được cộng đồng khởi nghiệp nhắc đến như Bến Tre với chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp”, Đồng Tháp với “Đất Sen Hồng khởi nghiệp”, tỉnh Thừa Thiên – Huế - “Cố Đô khởi nghiệp” …

Bài 3: Để khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là phong trào -0
 Lễ ký kết hợp tác thực hiện Đề án Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: ITN

Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp của nhiều địa phương còn hoạt động rời rạc, chưa thiết lập nhiều quan hệ hợp tác dẫn tới hoạt động khởi nghiệp sẽ manh mún và khó bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, hầu hết các hoạt động khởi nghiệp mới chỉ dừng lại ở khởi nghiệp đơn thuần, theo phương thức kinh doanh truyền thống, dựa trên khai thác thế mạnh của địa phương, vùng miền. Đã có những ý tưởng áp dụng công nghệ trong hoạt động khởi nghiệp của mình để tạo nên những sản phẩm chất lượng, hiệu quả nhưng chưa rõ nét, chưa thực sự được coi là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Việc kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, tập đoàn lớn là rất khó khăn, ít có nhà đầu tư dám mạo hiểm đầu tư cho hoạt động này ở Quảng Ninh. Đồng thời, việc phối hợp triển khai các hoạt động vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ, còn trùng lắp, chồng chéo, chưa phát huy mạnh mẽ trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp, các ý tưởng dự án chưa có chính sách hỗ trợ để phát triển thành doanh nghiệp, chất lượng các ý tưởng dự án khởi nghiệp còn thấp nên quá trình hình thành từ ý tưởng đến khi thành lập doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ TS. Phạm Hồng Quất cho rằng, các địa phương cần tận dụng những lợi thế có những chính sách, cơ chế thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm, đầu tư của các quỹ đầu tư cả trong nước và quốc tế để tạo đà cho các dự án startup. Đồng thời, cần xây dựng mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư - đây là những những thành tố quan trọng cho Hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách thí điểm để giúp đưa những sản phẩm công nghệ mới ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. Cần thêm những cơ chế đặc biệt như: hỗ trợ về visa, về đất đai, về nơi ở, về di trú… “Khi chúng ta tạo điều kiện cho những người Việt Nam ở nước ngoài trở về thì cũng chính là tạo thêm nguồn lực để phát triển đất nước, địa phương”, TS. Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Xuân Tùng
#