Chuyển đổi số là nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí

- Thứ Tư, 05/06/2024, 18:52 - Chia sẻ

Chiều 5.6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đào tạo báo chí - tuyên truyền trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Dự hội thảo có: Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS. TS Lê Văn Lợi; Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS. TS Phạm Minh Sơn; lãnh đạo đại diện các bộ, ban ngành...

Chuyển đổi số phụ thuộc vào đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người làm báo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh khẳng định, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí, truyền thông. Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí, truyền thông nước nhà.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí -0
Quang cảnh hội thảo

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6.5.2023 phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu “xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí -0
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí, truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Cụ thể như: thay đổi mô hình quản trị tòa soạn; tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý hệ thống; quy trình sản xuất, phát triển nội dung và phương thức tác nghiệp báo chí - truyền thông đa nền tảng; vấn đề tiếp thị công chúng; phương thức quản lý dữ liệu, văn hóa báo chí - truyền thông.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí -0
Các đại biểu dự hội thảo

Ông Minh cũng cho rằng, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí, truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số. Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS. TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là trang bị thật nhiều công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại, mà cốt là phải thay đổi từ tư duy, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ nhân lực báo chí - truyền thông số, ở tất cả các khu vực khác nhau trong một cơ quan báo chí, truyền thông, từ ban lãnh đạo, quản lý cho đến đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí -0
Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS. TS Lê Văn Lợi báo cáo đề dẫn tại hội thảo

Đào tạo báo chí phải bắt kịp với sự thay đổi của thời kỳ chuyển đổi số

Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đều khẳng định, hiện nay, hoạt động đào tạo báo chí - truyền thông diễn ra dưới nhiều hình thức, từ đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng, cho đến đào tạo nội bộ ngay trong các cơ quan báo chí - truyền thông. Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được sắp xếp khoa học, hợp lý, bài bản, có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đáp ứng yêu cầu cụ thể của chuyên ngành đào tạo. Việc thực hành, thực tế nghề nghiệp cho người học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ngày càng được chú trọng, nhằm bổ sung cập nhật kiến thức mới, kỹ năng thực hành báo chí, xuất bản, truyền thông hiện đại…

Theo GS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, dù 7 cơ sở đào tạo báo chí hiện nay đều là cơ sở công lập song điểm chuẩn đầu vào đang có độ vênh khác nhau. Một số cơ sở đào tạo lâu năm, có uy tín nhìn chung điểm chuẩn đầu vào cao,  song cũng có những cơ sở đầu vào khá thấp, dưới 15 điểm. Đây chính là một trong những lý do khiến tỷ lệ sinh viên tại một số cơ sở đào tạo ra trường làm đúng ngành còn thấp.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí -0
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương phát biểu tại hội thảo

Trước thực tế trên, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương đề xuất cần tính tới việc xây dựng ngưỡng đảm bảo đầu vào ngành báo chí để đảm bảo yêu cầu tối thiểu về năng lực học tập giống như ngành sức khỏe và sư phạm.

PGS.TS Hà Huy Phượng, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề xuất, cần có sự tham gia phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo để sớm ban hành khung chương trình chung về đào tạo bồi dưỡng báo chí, truyền thông trong bối cảnh mới; tiếp tục có phương thức để tuyển chọn đầu vào như tổ chức thi năng khiếu báo chí bởi đây cũng là là lĩnh vực đặc thù; xây dựng chuẩn đầu ra và chuẩn vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp; chuẩn về chính sách đào tạo bồi dưỡng báo chí, truyền thông; chuẩn về môi trường học thuật…

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS. TS Lê Văn Lợi cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cũng có tác động rất lớn đến chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông, đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên để bắt kịp với sự thay đổi liên tục của thời kỳ chuyển đổi số, đi cùng với đó là thách thức trong thu hút, giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi ở lại các trường đại học, cao đẳng thay vì dịch chuyển sang các cơ quan báo chí - truyền thông với mức đãi ngộ cao hơn và môi trường làm việc năng động hơn.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí -0
Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS. TS. Phạm Minh Sơn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cả về lý luận và thực tiễn về vấn đề đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia nói chung và Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí nói riêng, xây dựng nền báo chí truyền thông “chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại”.

Đức Hiệp
#