Thương mại hóa 5G tại Việt Nam - cơ hội cho doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 01/04/2022, 17:29 - Chia sẻ
Theo nghiên cứu của GSMA, đến năm 2030, 5G dự kiến ​​sẽ tạo ra 960 tỷ USD cho GDP toàn cầu, trong đó 5G sử dụng phổ tần số trong băng tần trung chiếm gần 65%, với hơn 610 tỷ USD. Còn theo nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, tỷ lệ đóng góp của mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025.

Năm 2021, mạng 4G đã phủ sóng 99,8% cả nước, riêng mạng 5G đã được các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố với nửa triệu thuê bao. Để đạt được những lợi ích tiềm năng của 5G, các doanh nghiệp cần phải lên kế hoạch nhằm cung cấp kịp thời phổ tần số cho các dịch vụ di động, vì nó là yếu tố quan trọng để đáp ứng yêu cầu về vùng phủ sóng và dung lượng mạng 5G.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang trong những bước chuẩn bị cuối cùng để chính thức cấp phép cho các nhà mạng trên thương mại hóa 5G ngay trong năm 2022 này. 

Về phía các doanh nghiệp, để bắt kịp với cuộc đua 5G, không chỉ gia tăng vùng phủ sóng mà các công nghệ lõi và thiết bị đầu cuối cũng được chú trọng phát triển với định hướng Make in Vietnam.

Viettel đã nghiên cứu thành công và triển khai thử nghiệm cụm 5G hoàn chỉnh gồm mạng lõi 5G Core, mạng truyền dẫn Site Router 100G, mạng vô tuyến gNodeB Micro và Macro. Đây là bước tiến dài của nhà mạng trong nước, nếu biết với 2G và 3G chủ yếu các công nghệ được sử dụng đều do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp.

Hạ tầng 5G cần được doanh nghiệp và thị trường tận dụng tốt hơn

Tỉ lệ thuê bao 5G còn rất nhỏ, uớc tính đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 71 triệu thuê bao băng rộng di động (3G, 4G, 5G). Trong đó, lượng thuê bao 4G là chủ yếu khi chiếm 89,42%, tiếp sau là thuê bao 3G chiếm 10,05% và thuê bao 5G là 0,54%. Dịch vụ 5G với ưu điểm truyền tải lượng dữ liệu lớn, tốc độ cao vượt trội, có độ trễ rất thấp giúp mạng di động tăng tốc độ truyền dữ liệu và cải thiện băng thông so với công nghệ 4G. Tuy nhiên, công nghệ 5G được cho là phù hợp để hỗ trợ các thiết bị hoạt động tự động hoặc có thể kết nối với nhau, chẳng hạn như nhà thông minh, phương tiện tự lái, hệ thống nông nghiệp chính xác, máy móc công nghiệp và người máy tiên tiến… 

Khi thương mại hóa 5G, doanh nghiệp cần tận dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp để tăng hiệu quả kinh doanh. Một trong những điệm cộng lớn nhất của mạng 5G chính là độ trễ xử lý cực thấp, đưa tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn cả một cái “chớp mắt”. Mức độ trễ thấp sẽ là chìa khóa mở ra kỷ nguyên công nghệ robot, xe tự lái, thực tế mở rộng nhập vai (XR) và kết hợp thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR ) và thực tế hỗn hợp (MR).

Ứng dụng của 5G trong đô thị thông minh

Về ứng dụng của hạ tầng 5G trong đô thị và thành phố thông minh, là khả năng ghi nhận và điều tiết giao thông, người điều khiển được hướng dẫn đi vào đường thông thoáng hoặc đến các chỗ đậu xe có sẵn, và đồng thời giúp giảm thiểu khí thải. Những lợi ích này sẽ được thúc đẩy phát triển khi 5G trở nên khả dụng hơn. Với mô hình nhà thông minh, thị trường nhà ở đang có những bước tiến quan trọng để trở nên thông minh hơn. 

Hiện ngày càng có nhiều ngôi nhà sử dụng hệ thống thiết bị được kết nối, các máy chủ tập trung xử lý dữ liệu được thu thập từ các thiết bị này sẽ làm tăng độ trễ xử lý và rủi ro về quyền riêng tư. Tuy nhiên, mạng 5G có thể giải quyết những thách thức đó bằng cách cho phép các thiết bị di động hoặc IoT xử lý dữ liệu trong phạm vi ngoại vi của mạng gia đình thay vì đám mây, điều này sẽ tăng cường quyền riêng tư và bảo mật, đồng thời giảm độ trễ. Với không gian văn phòng, trong tương lai, mạng 5G có thể loại bỏ gánh nặng cơ sở hạ tầng và cáp dư thừa cho các tòa nhà. Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp không cần chạy hệ thống cáp tới bàn làm việc, điện thoại và phòng họp, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí, thoái mái thiết kế sơ đồ mặt bằng và không gian làm việc linh hoạt trong tương lai

Ứng dụng của hạ tầng 5G trong công nghiệp game

Tốc độ kết nối không dây siêu nhanh cùng khả năng hỗ trợ công nghệ tốt hơn sẽ giúp 5G thay đổi cách con người đang chơi game, cũng như tương tác với máy tính hiện nay. 

5G có thể khiến mảng giải trí tương tác trở nên bình dân, không cần quan tâm tới thiết bị của người dùng, hỗ trợ phát triển công nghệ game đám mây (cloud gaming) hiện nay, cho phép người chơi giải trí trên những siêu máy chủ ngay tại nhà mình giống như ngồi nhà xem phim trên Netflix, HBO Max, AppleTV… mà không cần phải tải về máy vậy.

Hoặc Oculus của Facebook hay bộ phận lập trình game của Microsoft đang thí nghiệm tạo ra một thế giới ảo rộng lớn hơn nhờ công nghệ VR, với đầy đủ chi tiết. “Chúng ta sẽ mở ra mọi tiềm năng của VR. Tương lai, game sẽ mang tới trải nghiệm nhập vai với một thế giới sống động hơn và được cá nhân hóa hơn”, Marija Radulovic-Nastic - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng Phát triển công nghệ và Dịch vụ tại công ty sản xuất game Electronic Arts (EA) chia sẻ.

CTV