Cần chính sách mở đường

- Thứ Bảy, 26/03/2022, 15:12 - Chia sẻ
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Đỗ Tiến Thịnh, Hà Nội có nhiều thế mạnh như hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực… Từ đó, lựa chọn các lĩnh vực trọng điểm, có tác dụng lan tỏa cần hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến các startup của Thủ đô phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Để họ có bước phát triển vượt bậc thì cần chính sách mở đường, chiến lược, quy hoạch đồng bộ, tận dụng tối đa các nguồn lực,…

“Tiếp lửa” cho các startup của Thủ đô 

Các chuyên gia đánh giá, các Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp là đòn bẩy hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Thủ đô phát triển, làm cho quốc phú, dân cường. Giúp các startup tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm mới để cải thiện năng lực cạnh tranh, cách tiếp cận thị và dự đoán xu hướng thị trường từ các chuyên gia hay nhà đầu tư nhằm đạt được sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19 với cả cơ hội xen lẫn thách thức mới.

Theo Báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội, Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2025, tập trung vào các mục tiêu như: Kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; Tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và phát huy giá trị tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến từng người dân, sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức; Hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của thành phố thực hiện vai trò kết nối nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô; Hỗ trợ hình thành thêm vườn ươm doanh nghiệp, không gian khởi nghiệp để phục vụ hoạt động hỗ khởi nghiệp sáng tạo,…

Ngoài ra, Trung tâm cũng trực tiếp tham gia vào công tác phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng sản xuất và hỗ trợ kinh phí ươm tạo cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, trong năm 2021, Trung tâm tham gia hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 3 cơ sở ươm tạo; hỗ trợ kinh phí tham gia cơ sở ươm tạo cho 9 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được ươm tạo tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp (Học viện nông nghiệp Việt Nam).

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Ngô Minh Toàn cho biết, để thực hiện các nội dung Đề án khởi nghiệp, hỗ trợ các startup một cách hiệu quả, thời gian qua, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai nhiều nội dung, hoạt động vừa có tính chuyên môn sâu, khích lệ cộng đồng khởi nghiệp Thủ đô. Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân trên con đường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo" hàng đầu của cả nước và khu vực.

Năm 2017, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với chuyên gia Israel xây dựng và hình thành Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội. Cổng thông tin đã đi vào hoạt động từ tháng 10.2017, hiện có khoảng 800 startups và một số tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư tham gia Cổng thông tin. Đặc biệt, ngày 9.9.2019, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4889/QĐ-UBND để Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019-2025”, khẳng định việc tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền thành phố. “Trong đó, Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội là cơ quan đầu mối, được thành phố giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này có sơ sở vững chắc để tận dụng cơ hội, phát triển nhanh, bền vững, góp phần phát triển đất nước ngày càng cường thịnh”, ông Ngô Minh Toàn nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, để tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao và tạo bệ phóng mạnh mẽ, thúc đẩy các startup hậu Covid-19 cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. “Các chuyên gia, đơn vị ươm tạo và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong việc tạo lập, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Ngô Minh Toàn nhận định.

Khơi thông điểm nghẽn

Các chuyên gia đánh giá, 3 năm qua, chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi Covid -19 diễn biến hết sức phức tạp. Nhưng điểm sáng nổi lên đó là sức sống của doanh nghiệp Việt Nam và tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân Việt Nam. Có nhiều bước tiến khởi sắc trên nhiều lĩnh vực như logistics, y tế, đào tạo, nông nghiệp,… Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, phong trào khởi nghiệp vẫn còn những rào cản, môi trường cho khởi nghiệp sáng tạo hoạt động hạn chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu,... thiếu hành lang pháp lý mang tính đặc thù cho các mô hình khởi nghiệp trên nền tảng số,...

Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Tiến Thịnh nhận định, mặc dù thời gian vừa qua nước ta đã có nhiều bước tiến lớn trong chính sách. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST. Theo đó, các trung tâm đổi mới sáng tạo được ưu đãi về đầu tư bao gồm thuế, miễn thuế thu nhập đối với một số loại hàng hoá; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tăng thời gian và mức phí được trừ khi tính thuế đối với khấu hao tài sản; các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư,…

 

“Tuy nhiên, hiện nay, môi trường kinh doanh ở nước ta chưa thực sự thuận lợi. Thiếu sự hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, hỗ trợ về tài chính từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, các thủ tục liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo còn phức tạp, chưa có hành lang pháp lý đặc thù cho những sản phẩm, dịch vụ mới ra đời từ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nguồn nhân lực công nghệ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn thiếu hụt,... Đặc biệt là ở một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi như kinh doanh công nghệ, cho vay ngang hàng, sàn giao dịch tín chỉ,… Bên cạnh đó, vẫn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích huy động nguồn lực cho ĐMST như: Đầu tư quỹ mạo hiểm, gọi vốn. Phần lớn các Chương trình, đề án, dự án của Trung ương vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của các dự án hỗ trợ kỹ thuật…”, ông Thịnh nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong xu thế đổi số mạnh mẽ do Covid-19, tái hòa nhập thị trường trong điều kiện bình thường mới, để bảo đảm cho cộng đồng startup phát triển bền vững đòi hỏi phải thay đổi về tư duy, có nguồn nhân lực và sự thích ứng phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách, hệ thống pháp luật để hỗ trợ và quản lý nhóm doanh nghiệp này cũng là một yêu cầu cấp thiết.

“Để Hà Nội trở thành tâm điểm của ĐMST, cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế và trong nước (Về kỹ thuật: như các công nghệ mới; Về kinh tế: như kinh tế số, kinh tế chia sẻ; Về xã hội: như vấn đề an ninh thông tin cá nhân, cân bằng cuộc sống, già hóa dân số; Về môi trường: như xu thế quản lý hiệu quả nguồn lực khan hiếm) và thế mạnh của Hà Nội (như hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực…) để lựa chọn các lĩnh vực trọng điểm, có tác dụng lan tỏa cần hỗ trợ ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, cần có những hành lang pháp lý phù hợp, cơ chế mang tính “mở đường” và cả tầm nhìn trong định hướng chiến lực hỗ trợ ĐMST…”, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Đỗ Tiến Thịnh đưa ra giải pháp.

Đức Hiệp