Xem xét, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải nhấn mạnh: Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình, những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Từ đó, đề ra những cơ chế, chính sách, biện pháp để các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tới.
Bên cạnh đó, xem xét, cho ý kiến vào công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh, TAND, Viện KSND tỉnh, Cục THADS tỉnh; báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng; quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền; xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong đó, có nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2024; nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2025. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét toàn diện, cân đối giữa các lĩnh vực và bám sát tình hình thực tiễn, đề nghị các đại biểu cho ý kiến, lựa chọn nội dung giám sát đúng, trúng cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Đồng thời, HĐND tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề “Về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh”. Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo của Đoàn giám sát, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, nguyên nhân. Từ đó, kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quản lý nhà nước; góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Với khối lượng công việc lớn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, dành thời gian thảo luận dân chủ, góp nhiều ý kiến chất lượng vào các nội dung trình tại kỳ họp. Từ đó, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tốc độ tăng GRDP ước đạt 6,26%
Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh đã vượt qua khó khăn và đang dần được phục hồi. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có sự khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế. Tốc độ tăng GRDP ước đạt 6,26%. Quy mô giá trị gia tăng ước đạt 80,72 nghìn tỷ đồng, tăng 8,53% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu ngân sách ước đạt 15.535 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
"Vĩnh Phúc vẫn là vùng đất hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư vốn FDI của tỉnh đạt 435,8 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch năm. Trong đó, có 209,9 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học... Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được các cơ quan chức năng triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Kết quả, khách du lịch ước đạt 5,89 triệu lượt khách, tăng 13%; doanh thu du lịch ước đạt 2.280 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai mạnh các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 thông qua việc thành lập tổ công tác đặc biệt và phân công nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo theo dõi, chỉ đạo từng dự án cụ thể; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân. Đến nay, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt 2.739 tỷ đồng, bằng 35,2% kế hoạch năm, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Dự báo thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế quốc tế, khu vực và tình hình kinh tế vĩ mô trong nước để kịp thời có phương án chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, kiểm soát lạm phát, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh...
Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cho biết: Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công, nông nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch. Đồng thời, tăng cường mở rộng nguồn thu và điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thu ngân sách địa phương năm 2024 đã đề ra.
Mặt khác, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công làm động lực thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Cùng với đó, đề nghị các cấp, ngành khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để phân bổ chi tiết hết vốn đầu tư công năm 2024 ngay trong tháng 7. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án lớn, trọng điểm, các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Kịp thời điều chuyển vốn đối với các dự án gặp vướng mắc, khó giải ngân sang các dự án có thể hấp thụ ngay nguồn vốn đầu tư. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn nêu rõ, Vĩnh Phúc sẽ tăng cường quản lý quy hoạch, đô thị và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tạo sự chuyển biến căn bản về giáo dục và đào tạo; chú trọng chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống.
Không để xảy ra tình trạng nghị quyết đã ban hành nhưng không thực hiện
Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc ở nhiều lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu 2 con số như kỳ vọng. Bởi vậy, cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành.
Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 một cách bài bản. Trong đó, chú ý những vấn đề mà tỉnh còn yếu như: tái cơ cấu ngành công nghiệp, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết và tác động lan tỏa với doanh nghiệp trong nước, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng... Các luật này sẽ có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với trước đây. Theo quy định, các địa phương sẽ phải ban hành khoảng 20 văn bản quy phạm pháp luật, do đó đề nghị UBND tỉnh khẩn trương cụ thể hóa các quy định của mới của pháp luật để bảo đảm triển khai thực hiện trên toàn tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Đề cập đến trách nhiệm của cơ quan dân cử, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND tỉnh chú ý nhiều hơn việc giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri của các cơ quan Nhà nước các cấp; kịp thời nêu ý kiến phê bình, chấn chỉnh đối với các trường hợp chậm trễ, để kéo dài hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Đồng thời, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu, tiếp tục đổi mới chương trình các kỳ họp. Trong quá trình xây dựng chương trình các kỳ họp, đề nghị HĐND tỉnh không chỉ chờ UBND tỉnh trình sau đó mới đưa vào nội dung kỳ họp, mà cần chủ động rà soát hoặc qua giám sát, TXCT nhận thấy vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng chưa được thể chế hóa hay cần có chế độ, chính sách đặc thù về một lĩnh vực cụ thể thì HĐND tỉnh nêu vấn đề, giao nhiệm vụ, nhắc nhở, đôn đốc UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất, trình HĐND tỉnh cho ý kiến hoặc quyết định.
Đặc biệt, cần bổ sung vào chương trình các kỳ họp nội dung báo cáo về tiến độ triển khai, kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành để theo dõi, giám sát kết quả thực hiện, không để xảy ra tình trạng nghị quyết đã ban hành nhưng không triển khai thực hiện.