Tham dự phiên khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoàng Thao; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh; Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Mỹ Hằng cùng các đại biểu.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa X diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do những diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình thế giới ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt được kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 3,76%, cao hơn cả nước 0,04% (bình quân cả nước tăng 3,72%); Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách đạt 31.715 tỷ đồng (đạt 43% dự toán HĐND tỉnh thông qua và đạt 48% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao).
Các ngành, các cấp đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, trong đó đã tổ chức khởi công dự án đường Vành đai 3 đúng tiến độ đề ra. Lĩnh vực phát triển đô thị, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được thực hiện khá đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, xây dựng thành phố thông minh được thực hiện quyết liệt; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế: Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với cùng kỳ; sản xuất và xuất khẩu của một số ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp do thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch…
Kỳ họp sẽ tập trung đánh giá một cách toàn diện và khách quan về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh những tháng đầu năm 2023; đồng thời xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, như: Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; phân cấp thẩm quyền quản lý tài sản công; danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa.
Các nội dung, mức chi hỗ trợ ngành y tế; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; mức chi phục vụ ngành giáo dục, công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; các chế độ, chính sách hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; quy định số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; điều chỉnh số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập…
Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm và kỳ vọng của nhân dân tỉnh Bình Dương.
Nỗ lực vượt khó, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,97%). Trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 2,94%; dịch vụ tăng 5,9%; nông nghiệp và thuỷ sản tăng 3,28%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,62%.
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của Bình Dương gặp nhiều khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 8,35%); trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 2,2%; công nghiệp chế biến tăng 2,8%; sản xuất phân phối điện, khí đốt giảm 4,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,2%.
Xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 15 tỷ USD (giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước), kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 10 tỷ USD (giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước).
Về đầu tư công, tính đến ngày 30.6.2023, giá trị giải ngân của tỉnh Bình Dương đạt 5.286 tỷ đồng, đạt 24,3% kế hoạch HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 30,4% kế hoạch) và đạt 43,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với lĩnh vực văn hoá – xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Dương có hơn 80.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Trong đó, ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ có số lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng nhiều nhất. Ít biến động lao động là ngành chế biến thủy, hải sản; sản xuất linh kiện điện tử và sản phẩm điện tử. Dự kiến, đến cuối năm 2023, con số này sẽ còn tăng thêm 60.000 người.
Ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã kịp thời triển khai các biện pháp kết nối cung cầu, hỗ trợ người lao động có việc làm.
Trước nhưng khó khăn, thách thức trên, tại Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét, đánh giá một cách toàn diện và khách quan về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh những tháng đầu năm 2023.
Trên cơ sở báo cáo của UBND và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công; các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội, an ninh trật tự…, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, kịp thời, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.