HĐND một số địa phương khai mạc kỳ họp giữa năm

- Thứ Năm, 14/07/2022, 22:59 - Chia sẻ

Sáng 14.7, HĐND các tỉnh Hòa Bình, Bình Dương, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Lào Cai, Đồng Tháp đã khai mạc trọng thể kỳ họp thường lệ giữa năm 2022.

Bình Dương: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Chánh nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,84%. Tổng thu ngân sách ước thực hiện đạt 58% dự toán của năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm thực hiện toàn diện và đồng bộ. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương diễn ra nhiều sự  kiện, hội nghị quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, cho thấy Bình Dương đã và đang phát triển năng động, sáng tạo và đổi mới, vì mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Theo chương trình, kỳ họp sẽ dành thời gian chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm các vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, tập trung vào công tác gắn camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, vấn nạn kẹt xe, ngập úng đô thị; hiệu quả của việc tiêm vaccine phòng bệnh và bảo đảm hoàn thành độ bao phủ vaccine cho người dân; kế hoạch, giải pháp, phương án khống chế dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế…

Hòa Bình: Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa XVII, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 5,13% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.257,2 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện… Tuy nhiên, so với bình quân cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa cao; kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn khó khăn; chất lượng giáo dục chuyển biến chậm; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình còn hạn chế…

Những tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”; triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050. Cùng với đó, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kịch bản tăng trưởng các quý còn lại; kế hoạch đầu tư công năm 2023… 

Hà Tĩnh: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa XVIII, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị, các đại biểu tập trung nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận và chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm để xây dựng các cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn… Trong thời gian diễn ra kỳ họp, HĐND tỉnh mong muốn cử tri và Nhân dân tham gia ý kiến, góp phần vào thành công của kỳ họp.

Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 41.220 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 10.918 tỷ đồng, bằng 67% dự toán (tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chiến lược quan tâm nghiên cứu đầu tư vào Hà Tĩnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm… Những tháng cuối năm, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho các ngành, lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các dự án đầu tư; kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 bảo đảm cho sự phục hồi của khu vực dịch vụ...

Thừa Thiên Huế: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Khóa VIII, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh tăng trưởng đạt 6,92%; thu ngân sách đạt 5.786 tỷ đồng, bằng 84,3% so với dự toán. Lĩnh vực du lịch - dịch vụ tăng trưởng 7,89%; khách du lịch tăng 44%; doanh thu từ du lịch ước đạt 1.721 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ, đạt 50% kế hoạch… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp một số khó khăn; công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng triển khai một số dự án ngoài ngân sách, còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu...

Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị, các đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng; chất vấn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm cử tri quan tâm; đồng thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân trong tỉnh…

Bạc Liêu: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khóa X, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lữ Văn Hùng nhấn mạnh: Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước cũng như địa phương đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, hầu hết các chỉ tiêu của năm đều đạt theo tiến độ. Các chính sách an sinh xã hội cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và đời sống một bộ phận người lao động trên địa bàn tỉnh…

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, đại biểu tập trung nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; thẳng thắn chỉ rõ các mặt tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch của năm, nhất là các chỉ tiêu đạt thấp như: Sản lượng thủy sản; kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công…

Lào Cai: Theo đánh giá tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa XVI, 6 tháng đầu năm 2022, bối cảnh phát triển của tỉnh có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen, nhưng kết quả đạt được rất đáng trân trọng. Các mục tiêu về kinh tế - xã hội cơ bản duy trì bảo đảm, trong đó tăng trưởng kinh tế GRDP, thu ngân sách, khách du lịch đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận. Trong đó, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp; các vấn đề an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, nhà ở cho người thu nhập thấp chưa được giải quyết căn cơ; công tác cải cách hành chính còn nặng về hình thức, có nơi còn có biểu hiện đối phó, chưa thực sự vì Nhân dân, dẫn đến nhiều chỉ số còn thấp; tiến độ xây dựng một số dự án, công trình, quy hoạch trọng điểm, quan trọng còn chậm...

Đồng Tháp: Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Khóa X nêu rõ: Kinh tế - xã hội có sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng; tác động của các chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội của Trung ương, của tỉnh ngày càng mạnh mẽ. Kinh tế tăng trưởng 3,83%; quy mô kinh tế theo giá hiện hành đạt gần 46.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước ước đạt 61% dự toán... Toàn tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao...

Tuy nhiên, cả 3 khu vực kinh tế đều chưa đạt mục tiêu tăng trưởng; hiệu quả sản xuất không cao, giá bán nhiều mặt hàng nông sản còn thấp; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi song chưa vững chắc; kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp...

NGUYỄN NHẬT- TRẦN TÂM-DIỆP ANH-ĐĂNG HẬU-VIỆT LONG-MAI PHƯƠNG - SƠN NGUYÊN