Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất, phản ánh, kiến nghị của cử tri và qua giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh trong thời gian qua và tình hình thực tế tại địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đã lựa chọn chất vấn nhóm các vấn đề thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh, các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Công thương và Ban Dân tộc tỉnh tại phiên họp lần này.
Theo đó, các vấn đề được chất vấn tại phiên họp sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đánh giá những tồn tại, hạn chế, vướng mắc; xác định trách nhiệm để đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình phát triển của địa phương.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị: Các đại biểu HĐND tỉnh phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, chủ động chất vấn theo nhóm vấn đề được xác định, nêu câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ vấn đề, mang tính xây dựng, tranh luận thẳng thắn, phản biện để đi đến cùng nội dung chất vấn.
Trong đó, các đại biểu chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, gồm: việc tham mưu UBND tỉnh triển khai công tác kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án còn để xảy ra nhiều bất cập, hạn chế; giải pháp khắc phục trong thời gian tới; một số dự án đầu tư trên lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió và điện năng lượng mặt trời)...
Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ các vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT và Ban Dân tộc tỉnh về việc điều hành, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất tỉnh còn để xảy ra nhiều dự án quá hạn hoàn trả vốn ứng quỹ; giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong thời gian tới; một số dự án chăn nuôi đã đi vào hoạt động nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục thuê đất theo quy định; chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường; chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi nhưng đã đi vào hoạt động...
Điểm đáng lưu ý nữa là các đại biểu đề cập đến nhiều bất cập trong thu hút đầu và gỡ khó trong quy trình xác định giá đất trên địa bàn. Thời gian qua, hoạt động kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực đã được tỉnh Gia Lai tập trung đẩy mạnh, đáng kể là các dự án năng lượng tái tạo, dự án chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các sở, ngành và UBND cấp huyện đã triển khai việc lập, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các Quy hoạch: Sử dụng đất, xây dựng; kế hoạch sử dụng đất... để làm cơ sở xem xét, lập và phê duyệt dự án, triển khai công tác kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, cũng như các cấp độ quy hoạch xây dựng chưa hoàn thiện, đó là khó khăn chính trong công tác chuẩn bị đầu tư của tỉnh.
Từ thực trạng đó, các đại biểu đề nghị: Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP. Pleiku cần phối hợp tốt với Sở trong việc tham gia ý kiến bổ sung danh mục thu hút đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo theo thời gian quy định. Hàng năm, cần chủ động đề xuất các danh mục thu hút đầu tư với các thông tin đầy đủ, phù hợp với các loại quy hoạch, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.