Trước khi bước vào phiên bế mạc kỳ họp, các đại biểu đã nghe nội dung giải trình làm rõ những nguyên nhân tồn tại, giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển KT - XH từ phía lãnh đạo UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho biết: Lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản do có nhiều tác động về tỷ trọng, cơ cấu cây trồng đạt thấp đã ảnh hưởng đến tăng chung. Theo đó, mức tăng 4,5% (kế hoạch 5,15%) là mức tăng trung bình so với cả nước, thấp hơn so với khu vực Tây Nguyên. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,05% vẫn không bù lại được sự sụt giảm của ngành sản xuất và phân phối điện (giảm 7,03%) và kéo theo toàn bộ ngành công nghiệp của tỉnh giảm 1,14% ảnh hưởng đến mức tăng GRDP của toàn tỉnh.
Một số ngành dịch vụ tăng cao về doanh thu và giá trị sản xuất theo giá hiện hành, như: bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, nghệ thuật vui chơi và giải trí... dù ghi nhận kết quả tăng trưởng (có ngành tăng hơn 17%) nhưng vẫn xếp ở mức trung bình so với cả nước và khu vực Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; một số cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư công, các hướng dẫn thực hiện 3 chương trình MTQG còn chồng chéo, bất cập; giải ngân xây dựng cơ bản chậm (đến ngày 6. 12.2023 chỉ đạt 50%, thấp hơn bình quân cả nước 11%); tình trạng vi phạm lâm luật, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới...
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm 2024 là năm hết sức quan trọng, việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu năm mới sẽ quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Theo đó, UBND tỉnh tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả gắn với thị trường tiêu thụ và các nhà máy chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau hoa và dược liệu…
Tiếp tục triển khai 35 dự án liên kết sản xuất đã đăng ký triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Kêu gọi thu hút đầu tư các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông lâm sản tại các địa phương. Năm 2024, tỉnh tập trung đưa vào vận hành 962MW điện và Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng. Tiếp tục kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà máy điện gió, điện mặt trời triển khai trên địa bàn tỉnh...
Tiếp đó, HĐND tỉnh đã nghe Thư ký kỳ họp đọc nội dung và thống nhất thông qua 28 nghị quyết liên quan đến phát triển KT - XH của tỉnh năm 2024 và vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu bế mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đánh giá, kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND tỉnh đã phân tích, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Qua đó, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, quyết liệt của UBND tỉnh, các ngành, các cấp về chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung.
Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023 không đạt. Trong đó, có trách nhiệm của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc; vai trò, trách nhiệm tham mưu của các sở, ngành và địa phương trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ chưa chặt chẽ, còn làm việc “cầm chừng” sợ sai, thụ động, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm.Vấn đề này nếu không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển của tỉnh trong năm 2024 và 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
"Vì vậy, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp, khả thi, quyết liệt hơn để tập trung tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn; khắc phục sự chậm trễ, chồng chéo, vướng mắc nhằm tạo ra đột phá vượt bậc trong việc thực hiện các chỉ tiêu trong năm 2024.
"Đặc biệt, người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới để khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra", Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Gia Lai Khóa XII đã có hơn 90 lượt ý kiến thảo luận tổ và hội trường. Qua đó, đại biểu đã biểu quyết và thông quacácnghị quyết trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Gia Lai đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 27người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận lại bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Nghị quyết chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024 tỉnh Gia Lai đề ra các chỉ tiêu trọng tâm, như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,6%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 5.815 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 46.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 123.000 tỷ đồng; số lao động được tạo việc làm mới là 26.800 người...
Tỉnh cũng đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn 6,11%; GRDP bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người; 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 68,03%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đạt 95%, tỷ lệ che phủ của rừng (kể cả cây cao su) đạt 47,5%; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn…