Nhiều kết quả nổi bật
Cùng dự buổi giám sát có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP và Trưởng các Ban HĐND TP, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Báo cáo với đoàn giám sát, Chủ tịch UBND huyện Đoàn Văn Trọng cho biết, triển khai Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của HĐND TP Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 của thành phố Hà Nội, đến nay kinh tế của huyện Mê Linh duy trì ổn định và phát triển, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn theo giá cố định đạt 24.343 tỷ đồng/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 7,9%. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn đánh giá, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chưa đạt kế hoạch đặt ra như: Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất theo ngành kinh tế (hiện dịch vụ đạt 8,7%, kế hoạch là 17%); cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn (dịch vụ đạt 4,69%, kế hoạch là 8-10%; nông nghiệp đạt 6,14%, kế hoạch là 8-10%; số làng văn hóa đạt 64/75 làng, kế hoạch là 67 làng; số tổ dân phố văn hóa đạt 17/19 tổ dân phố, kế hoạch là 19 tổ dân phố).
Khó khăn mà huyện Mê Linh đang gặp đó là nền kinh tế của huyện phát triển quy mô còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Huyện đang trong quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng công nghiệp, dịch vụ đô thị nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, diện tích còn bị chia nhỏ, manh mún nên khó áp dụng hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, vướng mắc nhất trong điều hành, phát triển kinh tế-xã hội hiện nay của huyện là việc giao đất dịch vụ cho nhân dân, hiện còn 23ha đất dịch vụ của hơn 7 nghìn hộ của 7 xã, 2 thị trấn chưa được giải quyết.
Tại buổi giám sát, đại biểu HĐND TP đã nêu những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, các chỉ tiêu cần tập trung đánh giá đề nghị huyện làm rõ. Trong đó, Phó ban Văn hóa Xã hội Hoàng Thị Tú Anh đề nghị huyện đánh giá rõ thêm về chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia, hiện trên địa bàn huyện có 16 trường phải đánh giá lại trường chuẩn của năm 2018 nhưng mới chỉ có 5 trường được đánh giá và công nhận lại, còn 11 trường chưa được đánh giá.
Theo Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt thấp, trong khi huyện rất có tiềm năng về lĩnh vực này. Ngoài ra, quy hoạch phân khu của huyện đã cơ bản hoàn thành nhưng việc triển khai còn chưa hiệu quả, hay việc thu gom rác thải, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cũng cần triển khai quyết liệt hơn. Còn theo đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, thành viên Ban Kinh tế ngân sách, việc đấu giá quyền sử dụng đất để làm nguồn thu sẽ không bền vững khi không còn đất để đấu giá, vì vậy huyện cần có giải pháp cho thu bền vững ngân sách nhà nước. Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, 20 chỉ tiêu đặt ra thì huyện đã đạt và vượt 17 chỉ tiêu, còn lại 3 chỉ tiêu chưa đạt đề nghị huyện tập trung giải pháp để hoàn thành từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Giải trình các nội dung đoàn giám sát nêu, Bí thư Huyện ủy Đỗ Đình Hồng cho biết, huyện đang rất quyết liệt chỉ đạo tập trung các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội để từ nay đến hết nhiệm kỳ phấn đấu hoàn thành toàn bộ 20 chỉ tiêu trong nghị quyết. Từng nhiệm vụ, chỉ tiêu đều có văn bản chỉ đạo riêng. Trong đó, huyện đang tập trung kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ.
Thay đổi rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội
Kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, huyện Mê Linh có sự thay đổi rõ nét trong phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện ở hình ảnh đô thị phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân nâng cao, kinh tế tăng trưởng tốt, thu ngân sách tăng qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo… Đặc biệt, Đảng bộ và Nhân dân huyện đã rất quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu được giao, trong đó một số chỉ tiêu đặt cao hơn so với chỉ tiêu của thành phố, cụ thể hóa những chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện thực tế của huyện.
Thời gian tới, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị huyện cần đánh giá lại và có giải pháp cụ thể đối với những chỉ tiêu chưa hoàn thành, đặc biệt phải phân tích từng loại hình chỉ tiêu để đưa ra những giải pháp cho nhiệm kỳ tới. Từ phân tích, đánh giá cụ thể, huyện cần xem xét lại những cơ chế, chính sách của thành phố đối với huyện, tập trung vào những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của huyện để có kiến nghị kịp thời với thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng lưu ý huyện cũng cần đánh giá lại công tác chuẩn bị Đại hội các cấp, căn cứ các quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết của huyện để xây dựng các chỉ tiêu nhiệm kỳ tới cho sát thực tế. Phân tích rõ những chỉ tiêu đối với dân. Đồng thời phải đánh giá công tác giải quyết đơn thư, không để phát sinh đơn thư mới trước đại hội. Đặc biệt, huyện cần lưu ý công tác cán bộ, phải đổi mới, phân công phân nhiệm cán bộ cho phù hợp với thực tế của huyện và tiến hành đánh giá lại các mô hình trong nhiệm kỳ này, đối với 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy thì huyện đã triển khai mô hình nào và mô hình nào phù hợp, chưa phù hợp để có những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Nguyễn Hợp