Trên “nóng”, dưới cũng phải “nóng”!

- Thứ Ba, 10/05/2022, 07:12 - Chia sẻ

Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII đưa ra thảo luận đó là xem xét Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo). Trước tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, cử tri và nhân dân cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là cần thiết, bởi phòng, chống tham nhũng trên đã “nóng” rồi, thì dưới cũng phải “nóng”!

Cử tri và nhân dân đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Chỉ tính trong năm 2021, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Đáng nói, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó có 10 cán bộ diện Trung ương quản lý - trong nhiệm kỳ XII, có 19 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.

Gần đây, hàng loạt cá nhân bị khởi tố, bắt giam liên quan đến vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Việt Á, các đơn vị, địa phương liên quan.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương. Không chỉ lĩnh vực y tế, nhiều cá nhân cũng bị khởi tố để điều tra, xét xử vì vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Đáng nói là, có không ít lãnh đạo địa phương đã “dính chàm”.

Để có được những kết quả này có vai trò rất lớn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, toàn diện tạo được đột phá mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng, phức tạp. Điều đó cho thấy, tinh thần phòng, chống tham nhũng ở trên lúc nào cũng “nóng”.

Như chúng ta đã biết, tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, do đó công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Dù đã được quan tâm xử lý nhưng thời gian qua vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn. Các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn. “Vòi bạch tuộc” tham nhũng, tiêu cực không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Hậu quả của tình trạng này cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hóa cả hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng”.

Tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay chúng ta đã phân cấp mạnh cho địa phương, điều này cũng tạo sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, nếu chỉ cần một chút lơ là, buông lỏng quản lý, giám sát, buông lỏng kiểm soát quyền lực, nơi đó sẽ xuất hiện tham nhũng, tiêu cực. Không ít lãnh đạo địa phương bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự thời gian qua là bài học đau lòng về buông lỏng quản lý. Do đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là điều rất cần thiết vào lúc này. Đây có thể được coi là "cánh tay nối dài”của Ban Chỉ đạo ở Trung ương nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong dân, những vấn đề tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở địa phương. Qua đó, hình thành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Điều quan trọng là cần tổ chức Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh sao cho hiệu quả. Từ kinh nghiệm của Trung ương cho thấy, việc giao cho Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, cần có sự tham gia của cơ quan dân cử, Mặt trận để tăng cường tính giám sát trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, cần có quy định cơ chế chịu trách nhiệm cụ thể của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trước Ban Chỉ đạo Trung ương, cũng như trách nhiệm trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa phương mà mình phụ trách.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này cũng để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Và để phát huy được hiệu quả, thì điều quan trọng là thành viên Ban Chỉ đạo phải là những người có bàn tay “sạch”!

LÊ HÙNG