“Tam nông” hay “tứ nông”

- Thứ Bảy, 07/05/2022, 10:49 - Chia sẻ

Người khó tính đến đâu cũng phải thừa nhận Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (thường gọi tắt là “tam nông”) đã đi vào cuộc sống và đạt được những thành tựu lớn về an ninh lương thực; sự tăng trưởng ngoạn mục về xuất khẩu nông sản; mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo về đích trước thời gian; thu nhập và đời sống của đại bộ phận nông dân được nâng lên rõ rệt; nông thôn mới đã trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế ở nông thôn, có hai vấn đề đáng lưu tâm. Một là, gần 18 triệu người sinh ra tại thời điểm thực hiện Nghị định 64-CP ngày 27.9.1993 đến nay không được giao đất nông nghiệp để sản xuất, trong khi họ vẫn có nghĩa vụ, trách nhiệm với những khoản đóng góp theo quy định của pháp luật và chính quyền địa phương.

Hai là, số lao động trẻ nông thôn làm việc tại các khu vực có vốn đầu tư ngoài nước (FDI) khi thay đổi công nghệ, do tuổi cao sức yếu hoặc thao tác chậm - họ bị mất việc. Tiếp đó, hai năm dịch Covid-19 làm giãn việc, mất việc - một lượng lao động không nhỏ đã quay về nông thôn tìm kế mưu sinh. Người không có đất nông nghiệp để sản xuất, người mất việc từ khu công nghiệp trở về nông thôn tìm kiếm việc làm - người ta gọi những người/hộ đó là “tứ nông”.

Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, người thân và cộng đồng cư dân hỗ trợ, cưu mang và đùm bọc… nhưng các hộ gia đình thuộc lớp “tứ nông” vẫn rơi vào hoàn cảnh bất lợi, khó khăn bốn bề như: thiếu đất, thiếu vốn, thiếu việc làm và suy giảm thu nhập. Sự cách biệt về kinh tế tất yếu dẫn đến cách biệt về xã hội và dễ bị tổn thương trước những biến động của kinh tế, xã hội và thị trường, thậm chí trở thành gánh nặng về an sinh trong xã hội.

Vậy, có “tứ nông” không? Nếu có thì “tứ nông” như thế nào, có trong tháp phân tầng xã hội không? Nếu không có “tứ nông” thì những người/hộ gia đình không có đất sản xuất - sinh kế sẽ ra sao? Họ đứng trong hay đứng bên lề sự phát triển của đất nước? Đặt vấn đề như vậy cũng có nghĩa là, quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế toàn cầu ở nước ta đã nảy sinh những vấn đề mới, phức tạp và chưa có tiền lệ. Những vấn đề đó cần phải được gọi đúng tên, đặt đúng chỗ và có giải pháp đủ mạnh để giải quyết những vướng mắc trong tư tưởng, lý luận và thực tiễn đang đặt ra.

Thực chất, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu về phân tầng xã hội ở nông thôn nước ta trong thời gian qua mới chỉ là nghiên cứu về sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách giữa các nhóm theo chỉ báo kinh tế, thu nhập, mức sống. Tiến hành thường xuyên các cuộc điều tra, nghiên cứu như vậy là rất cần thiết để có cái nhìn tổng thể về xu hướng biến đổi bất bình đẳng xã hội. Mặt khác, cũng cần có các hướng tiếp cận mới, để tìm hiểu sâu hơn động thái của các nhóm, tầng xã hội đáng chú ý trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ, giai tầng, nhóm xã hội nào đang là động lực của sự phát triển hoặc có triển vọng trở thành một lực lượng doanh nhân nông nghiệp? Đã hình thành một tầng lớp nông dân trung lưu, giàu có của xã hội Việt Nam chưa? Nếu có thì ai là những thành viên và xu thế vận động, phát triển như thế nào? Đóng góp của tầng lớp đó cho sự phát triển của đất nước trong tương lai sẽ ra sao?… Cần phân tích một số nhóm, giai tầng xã hội mới bao gồm những người/hộ gia đình không có đất, thiếu đất sản xuất, thiếu điều kiện, cơ hội tiếp cận vốn, thông tin, thị trường... Đặc biệt, cần chỉ ra xu hướng biến đổi các nhóm này dưới tác động của các nhân tố mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Việc khai thác triệt để nguồn dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội, các cuộc tổng điều tra dân số, điều tra mức sống dân cư, kết hợp với các nghiên cứu chọn mẫu, định tính và phân tích xã hội học sẽ là hướng có triển vọng để hiểu và nắm bắt được bản chất của sự phân tầng xã hội nông thôn ở nước ta hiện nay. Đó không chỉ là hướng nghiên cứu thích hợp về mặt xã hội, mà còn là hướng nghiên cứu kinh tế - chính trị về cấu trúc xã hội và về mô hình xã hội tổng thể trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Tại Trung Quốc, việc phân tích về kết cấu giai tầng xã hội hiện nay đã theo hướng tiếp cận mới, được gọi là “giai tầng luận”, thay thế cho quan điểm xã hội chủ nghĩa chỉ còn 2 giai cấp là công nhân, nông dân và 1 tầng lớp trí thức. Theo quan điểm này, xã hội Trung Quốc đương đại có 10 tầng lớp xã hội được phân tầng, theo 3 tiêu chí cơ bản là: nguồn lực tổ chức (chính trị), nguồn lực kinh tế và nguồn lực văn hóa. Sự phân hóa thành người giàu - người nghèo, tầng lớp có lợi thế - tầng lớp yếu thế, đều căn cứ ở việc họ không có, hoặc có 1, 2 hay cả 3 nguồn lực với các mức độ khác nhau. Đây cũng là một cách tiếp cận mới, đáng tham khảo.

HOÀNG TRỌNG THỦY - Chuyên gia nông nghiệp