“Sứ mệnh” của Luật Đất đai (sửa đổi)

- Thứ Sáu, 23/09/2022, 05:52 - Chia sẻ

Sáng qua, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên. Dù vậy, xác định đây là nhiệm vụ lập pháp hệ trọng bậc nhất của Quốc hội Khóa XV, các hoạt động chuẩn bị cho việc xem xét dự luật này đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan của Quốc hội khởi động từ hơn một năm trước - song hành với quá trình Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về đất đai. Thậm chí, từ tháng 8.2021, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). 

Hơn một năm qua, dù khối lượng công việc bộn bề, nhưng Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, trực tiếp là Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức nhiều cuộc làm việc, các hội thảo chuyên sâu để tham vấn về sửa đổi Luật Đất đai. Gần đây nhất, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 cũng đã dành hẳn một phiên hội thảo chuyên đề về hoàn thiện pháp luật, trọng tâm là hoàn thiện pháp luật về đất đai.

Chính nhờ sự kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa như vậy nên chỉ 4 tháng sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18 -NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã có thể trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội - tuy chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Hồ sơ dự luật được Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá là đã “bảo đảm yêu cầu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư tới”.

Luật Đất đai là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Không chỉ giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai mà đạo luật này còn tác động sâu sắc tới việc thực thi các chính sách, các quy định trong rất nhiều đạo luật khác. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “có nhiều người giàu lên từ đất; mất tình đồng chí, tình nghĩa anh em, gia đình cũng vì đất; 75% số đơn khiếu kiện cũng là do những vấn đề liên quan đến đất đai”.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, vì thế, không chỉ là sửa đổi một đạo luật thông thường mà còn là “sự kiện có ý nghĩa chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Đảng ta. Vì thế, bên cạnh các quan điểm được Chính phủ nêu tại Tờ trình, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý hai nguyên tắc cốt lõi mà các cơ quan không được “chệch hướng” trong quá trình xem xét, hoàn thiện dự luật này.

Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là phải bám sát, thể chế hóa tối đa các chủ trương của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết số 18 -NQ/TW. Đặc biệt là, “những vấn đề nào, việc nào trong quá trình Trung ương thảo luận để ban hành Nghị quyết số 18 - NQ/TW đã được đặt ra rồi nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa đủ độ chín, chưa có kết luận của Trung ương thì tuyệt đối không đưa vào dự án Luật này. Xin ý kiến phương án 1, phương án 2 về những vấn đề này cũng không được vì đó là sai nguyên tắc”. Đơn cử như với dự án đang tự thỏa thuận là quan hệ về dân sự, bây giờ đề xuất phương án nếu có 80% đã thỏa thuận đồng ý, còn 20% nữa chưa đồng ý thì áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất được không? Đã dân sự là dân sự, hành chính là hành chính, không thể nào đang dân sự lại cộng hành chính vào để làm tiếp việc thu hồi đất. “Quy định này không đúng với tinh thần của Hiến pháp. Trung ương cũng có chủ trương như thế đâu?”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Nguyên tắc thứ hai là, phải kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và đã được Trung ương khẳng định lại tại Nghị quyết số 18 - NQ/TW. Các nội dung sửa đổi, bổ sung phải nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhưng đồng thời phải bảo đảm tính tổng thể, tính chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay hoặc những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn mang tính sự vụ, hiện tượng, cá thể. Không phải có bất cứ việc gì, có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào thấy có việc A, việc B đề xuất thì đều đưa vào luật hết.

Trên cơ sở các nguyên tắc trên, cả cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra đều phải tiếp tục rà soát từng điều, từng khoản một; đánh giá rất kỹ lưỡng, trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của cộng đồng, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể trong quan hệ đất đai.

Ở góc độ xây dựng thể chế, sửa đổi Luật Đất đai lần này còn có một “sứ mệnh” đặc biệt khác, như Chủ tịch Quốc hội nhận định, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật này chính là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển, năng lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trước đây, không “đẻ” ra khó khăn, vướng mắc mới; đánh giá năng lực bảo đảm tính công khai, minh bạch, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.

"Chúng ta phải thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng luật này. Những luật khác chúng ta đã cố gắng thì luật này, phải cố gắng gấp bội mới đáp ứng được”. Đó là lời nhắn nhủ, chia sẻ gan ruột của người đứng đầu cơ quan lập pháp, nhưng đồng thời cũng là yêu cầu, là kỳ vọng lớn lao mà cử tri và nhân dân cả nước đang trao gửi ở Quốc hội!   

Lam Anh