Sớm chấm dứt quy hoạch “treo”

- Thứ Bảy, 23/07/2022, 06:07 - Chia sẻ

Có một nghịch lý đang tồn tại, đó là trong khi người dân đang thiếu đất để sản xuất thì không ít địa phương, nhiều khu vực lãng phí nguồn lực đất đai bởi tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”. Do đó, cần phải có biện pháp mạnh để sớm khắc phục tình trạng này.

Quy hoạch “treo” là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch. “Dự án treo” được hiểu là dự án đầu tư đã được xác định trong quy hoạch, chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt nhưng tổ chức triển khai thực hiện không bảo đảm tiến độ theo quy định.

Quy hoạch “treo”, dự án “treo” đã trở thành vấn đề gây bức xúc cho người dân vùng bị quy hoạch. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội vì không phát triển theo như định hướng, không bắt kịp hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, làm đảo lộn các vấn đề xã hội. Người dân sống trong vùng quy hoạch “treo” thường chịu thiếu thốn cơ sở vật chất, kế hoạch định hướng lâu dài bị đảo lộn. Người dân rơi vào tình trạng “đi thì dở, ở cũng không xong”. Không chỉ gây khó cho cuộc sống của người dân vùng quy hoạch mà tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” kéo dài gây nên sự lãng phí tài nguyên đất rất lớn.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng quy hoạch "treo" là bởi pháp luật hiện hành chưa quy định rõ dự án đã được quy hoạch nếu không triển khai thực hiện thì trong thời gian bao lâu thì sẽ bị hủy. Điều này dẫn đến người dân sống trong vùng quy hoạch rất bức xúc, không phát huy được nguồn lực đất đai và làm giảm niềm tin của người dân với chính quyền, dễ phát sinh điểm “nóng” không đáng có.

Quy hoạch “treo”, dự án “treo” cũng là vấn đề trăn trở của nhiều đại biểu qua nhiều kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ Ba vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, vấn nạn quy hoạch “treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, người dân trong ranh giới quy hoạch rơi vào khốn đốn, khó khăn trăm bề, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Để xảy ra tình trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật với các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng; các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; chất lượng lập quy hoạch, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn thấp; công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm. Ngoài ra, còn trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong các bước thẩm định, phê duyệt dự án.

Chỉ ra thực trạng này, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các dự án hiện nay để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ quá 5 năm. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục căn bản tình trạng các dự án "treo" do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan; xử lý các tồn tại, bất cập do ảnh hưởng của quy hoạch "treo", bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ, điều quan trọng là Chính phủ cần sớm triển khai thực hiện nghị quyết này trên thực tế. Theo đó, sớm hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định. Đặc biệt là cần xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể và cá nhân để xảy ra tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” kéo dài.  

Lê Hùng