Phòng ngừa tham nhũng - còn đó những tồn tại cũ!

- Thứ Bảy, 10/09/2022, 05:50 - Chia sẻ

Nhiều hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng đã kéo dài nhiều năm do nhiều nguyên nhân khác nhau, có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đây là ý kiến nghiên cứu của Tiểu ban theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Trong phòng, chống tham nhũng thì biện pháp phòng ngừa luôn đóng vai trò quan trọng. Nếu biện pháp này được thực hiện hiệu quả sẽ hạn chế được thiệt hại về tài sản của Nhà nước, sẽ không xảy ra tình trạng "mất" cán bộ do tham nhũng. Tuy vậy, qua công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì biện pháp phòng ngừa vẫn còn những tồn tại. Đó là việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm. “Tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực; hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời” - Tiểu ban theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp nhận định.

Chúng ta cùng nhìn lại kết quả thực hiện biện pháp phòng ngừa tham nhũng của năm trước. Trong báo cáo thẩm tra về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Ủy ban Tư pháp đã nhận định, việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn để xảy ra nhiều vi phạm. Qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm; tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Đáng lưu ý là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng “kẽ hở” về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhằm mục đích vụ lợi. Hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… diễn ra đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm. Việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nhiều trường hợp nể nang. Thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Nhận diện rõ thực trạng là điều rất cần thiết, từ đó có được biện pháp khắc phục hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng cần tăng cường và phát huy hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán. Tạo được sự đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ngăn chặn, xử lý nghiêm minh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tránh tình trạng xử lý trách nhiệm cho có... Nếu làm tốt các biện pháp này thì những tồn tại sẽ không còn là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” khi đánh giá về phòng, chống tham nhũng trong mỗi kỳ báo cáo.

Lê Hùng